8 nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh suy tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, có nhiều chức năng quan trọng. Tuyến giáp nằm phía trước cổ, có hình dạng tựa như con bướm, nằm phía trước khí quản.

Bệnh suy tuyến giáp là tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp phổ biến nhất, xảy ra khi tuyến giáp của bạn hoạt động dưới mức bình thường. Khi đó, tuyến giáp không sản sinh đủ lượng hormone cần thiết cho quá trình kiểm soát năng lượng và trao đổi chất trong cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở mọi giới tính và bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thực tế bệnh hay gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam và càng lớn tuổi càng có nguy cơ dễ bị suy giảm chức năng tuyến giáp.

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị suy giáp, nhưng bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn nếu:

– Là phụ nữ

– Trên 60 tuổi

– Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp

– Bị bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 1 hoặc bệnh Celiac

– Đã được điều trị bằng iốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp trước đó

– Đã từng tiếp xúc phóng xạ, hoặc xạ trị vùng cổ hoặc vùng ngực

– Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (cắt bỏ toàn bộ hoặc bán phần tuyến giáp)

– Phụ nữ mang thai hoặc trong vòng sáu tháng sau khi sanh…

Cùng Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đi tìm 8 nguyên nhân khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh suy tuyến giáp:

– Bệnh tự miễn tuyến giáp: Là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến giáp. Trong cơ thể mỗi người luôn tồn tại hệ miễn dịch cân bằng giúp cơ thể chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh đến từ bên ngoài (như virus, vi khuẩn…). Tuy nhiên, một khi hệ miễn dịch bị rối loạn, sẽ tạo ra các kháng thể, tấn công lên tế bào tuyến giáp của chính bạn, gây nên bệnh viêm tuyến giáp tự miễn (hay còn gọi là Viêm Giáp Hashimoto) hoặc viêm tuyến giáp thể xơ teo. Dần dần, những tự kháng thể này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến bệnh suy chức năng tuyến giáp.

– Đáp ứng quá mức với các biện pháp điều trị bệnh cường giáp: Cường giáp là bệnh lý gây ra bởi tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động quá mức, khi đó bác sĩ có thể chọn lựa các biện pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào từng người bệnh. Mục tiêu của các phương pháp điều trị này là đưa chức năng tuyến giáp trở lại bình thường. Các biện pháp gồm:

– Thuốc kháng giáp tổng hợp:

– I-131 Iode đồng vị phòng xạ

– Phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp toàn phần hoặc bán phần.

– Xạ trị: Iode đồng vị phóng xạ (I-131) được sử dụng để điều trị ung thư vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyến giáp và có thể dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.

– Phẫu thuật tuyến giáp: Cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần lớn tuyến giáp, điều này có thể làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone. Trong trường hợp đó, bạn sẽ cần dùng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời.

– Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp: Amiodarone (Cordarone…) điều trị rối loạn nhịp tim, Lithium được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần, Interferon alpha (điều trị viên gan siêu vi C…) và Interleukin-2 có thể gây suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Do đó, tốt nhất, nếu bạn đang điều trị, hãy hỏi bác sĩ về ảnh hưởng của thuốc đối với tuyến giáp của bạn.

– Chế độ ăn quá nhiều hoặc quá ít i-ốt: Tuyến giáp cần có i-ốt để sản xuất hormone tuyến giáp. I-ốt có nhiều trong rong tảo biển, rau câu, muối bổ sung i-ốt, trong hải sản, trong rau củ quả trồng trên đất giàu i-ốt. Nếu quá ít i-ốt cũng có thể dẫn đến suy giáp, thì ngược lại cung cấp quá nhiều i-ốt trên những người có sẵn bệnh suy giáp cũng có thể làm nặng thêm tình trạng này. Cần bổ sung hàm lượng i-ốt vừa phải, phù hợp để giữ cho việc sản xuất hormone tuyến giáp ở mức cân bằng.

– Thai kỳ. Một số phụ nữ phát triển chứng suy giáp trong hoặc sau khi mang thai (suy giáp do nguyên nhân tự miễn sau sinh). Nếu không được phát hiện điều trị sớm trong thai kỳ, suy giáp làm tăng nguy cơ sẩy thai, đẻ non và tiền sản giật… cũng như có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi đang phát triển.

– Ngoài ra có một số nguyên nhân gây suy giáp ít gặp hơn:

Suy giáp bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra không có tuyến giáp, thiếu một phần tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp hoặc các enzym hoạt động không bình thường. Thông thường, trẻ bị suy giáp bẩm sinh có vẻ bình thường khi sinh ra. Do đó chương trình tầm soát sàng sàng lọc các bệnh lý sơ sinh trong đó có sàng lọc tuyến giáp sơ sinh vô cùng quan trọng.

Rối loạn tuyến yên. Một nguyên nhân tương đối hiếm của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) – thường là do một khối u lành tính của tuyến yên ức chế tiết TSH, sẽ gây nên tình trạng suy giáp.

Bệnh thoái hóa tinh bột (Amyloidosis), Bệnh U hạt (Sarcoidosis)… có thể gây tình trạng lắng đọng thâm nhiễm tại tuyến giáp… làm suy giảm hoạt động của tuyến giáp.

Việc chẩn đoán bệnh tuyến giáp cần kết hợp nhiều yếu tố như khám lâm sàng, siêu âm khảo sát cấu trúc hình ảnh của tuyến giáp, thử máu đo nồng độ hóc môn tuyến giáp, kháng thể kháng tuyến giáp (anti TPO, TR-Ab…) và hoặc nếu cần chúng tôi sẽ chọc hút nhân tuyến giáp bằng kim nhỏ khi có nghi ngờ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh suy tuyến giáp bằng cách xác định nồng độ hormone tuyến giáp trong máu (điền hình là tăng cao TSH, giảm thấp Free T4 và hoặc T3 toàn phần). Đồng thời khách hàng có thể chọn gói khám sức khỏe tổng quát để tầm soát bệnh hiệu quả. Nếu đã được phát hiện bệnh suy tuyến giáp chúng tôi sẽ chuyển khách hàng sang theo dõi và điều trị với bác sĩ Nội Tiết.

 

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch