CHỤP MRI TOÀN THÂN: CHẨN ĐOÁN BỆNH GÌ? CÓ PHÁT HIỆN UNG THƯ KHÔNG?

Chụp MRI toàn thân (chụp cộng hưởng từ toàn thân) giúp đánh giá toàn diện cơ thể, chủ yếu để đánh giá các tổn thương di căn khi có kết quả xác định của giải phẩu bệnh khẳng định ung thư ở một cơ quan nào đó trong cơ thể. Ngoài ra, hiện nay, ở một số quốc gia còn sử dụng MRI toàn thân trong tầm soát cũng như thu thập dữ liệu cá nhân về hình ảnh toàn thân tại một thời điểm nhất định.

Chụp MRI toàn thân hay chụp cộng hưởng từ toàn thân có độ an toàn và chính xác. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện các bất thường tín hiệu trong đó có khối u ở giai đoạn sớm, từ đó góp phần gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Vậy, chụp MRI toàn thân giúp chẩn đoán những bệnh gì? Kết quả chụp MRI toàn thân có giúp phát hiện bệnh ung thư không?

Chụp MRI toàn thân là gì?
Chụp MRI toàn thân sử dụng sóng radio và từ trường để tạo hình cắt lớp các bộ phận trên cơ thể. Trong cơ thể có hàng triệu nguyên tử hydro, khi chụp MRI các hydro sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng sóng từ trường ở dạng tín hiệu truyền về máy ghi nhận. Sau đó, tại thiết bị ghi nhận, các tín hiệu này được chuyển đổi sang dạng hình ảnh cấu trúc cơ thể rõ ràng, sắc nét với độ phân giải cao. Ngoài ra, để tăng hiệu quả thăm khám và chẩn đoán bệnh bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh thu được để tái tạo 3D.

Máy chụp MRI toàn thân thường được sử dụng trong thăm khám sàng lọc và tầm soát bệnh

Khi nào cần chụp MRI toàn thân?
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, không sử dụng bức xạ nên thường được áp dụng để tầm soát và kiểm tra toàn thân. Chụp MRI toàn thân có thể được thực hiện với 2 mục đích chính:

– Chụp MRI những cơ quan quan trọng như đầu, cổ, ngực, bụng – chậu, cột sống… nhằm tầm soát các bệnh lý thường gặp.
– Chụp MRI khuếch tán toàn thân giúp bác sĩ kiểm tra sự di căn của tế bào ung thư khi người bệnh không thực hiện được kỹ thuật chụp PET/CT.
– Đối tượng cần chụp MRI toàn thân

Những trường hợp sau đây có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện chụp MRI toàn thân, bao gồm:

– Chẩn đoán những tổn thương thứ phát: Chụp MRI giúp bác sĩ đánh giá toàn diện những bất thường hay tổn thương chưa rõ nguồn gốc và có tính lan rộng toàn thân.
– Chẩn đoán khối u nguyên phát: Chụp cộng hưởng từ toàn thân giúp đánh giá mức độ lan rộng của khối u trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể xác định giai đoạn và đánh giá tốc độ tiến triển của bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
– Kiểm tra sau khi hóa/xạ trị hoặc phẫu thuật: Thông qua kết quả chụp MRI toàn thân, bác sĩ có thể đánh giá được khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh, đồng thời phát hiện những tổn thương tái phát nếu có.

Ưu điểm và hạn chế trong chụp cộng hưởng từ toàn thân
1. Ưu điểm của chụp cộng hưởng từ toàn thân
Không xâm lấn, không sử dụng bức xạ: Chụp cộng hưởng từ không sử dụng tia X và bất kỳ năng lượng xâm lấn nào nên có độ an toàn cao. Do đó, kỹ thuật này thường được ưu tiên áp dụng trong thăm khám sàng lọc, tầm soát bệnh ở người khỏe mạnh.
Mang lại giá trị chẩn đoán cao: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ toàn thân có độ tương phản cao, giải phẫu cấu trúc chi tiết và có thể được tái tạo dưới dạng hình ảnh 3D. Khi chụp MRI mạch máu người bệnh không cần phải tiêm thuốc tương phản. Ngoài ra, kỹ thuật này giúp phát hiện những bất thường, tổn thương, khối u toàn thân, kể cả những khối u có kích thước nhỏ hơn 3 mm với độ chính xác cao
Quy trình thực hiện đơn giản: Máy quét MRI có thể chụp được hình ảnh giải phẫu cấu trúc cơ thể ở hầu hết mọi mặt phẳng. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện người bệnh không cần phải di chuyển. Sau khi thực hiện, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường không cần hạn chế tiếp xúc với người khác như khi chụp PET/CT.
2. Những điểm hạn chế ở kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân
Song song với những ưu điểm vượt trội nêu trên, kỹ thuật chụp MRI toàn thân có thể có một vài hạn chế, cụ thể như sau:

Người bệnh phải nằm bất động ở một tư thế: Để hình ảnh chụp MRI đạt chất lượng cao, người bệnh cần nằm yên ở một tư thế trong thời gian nhất định. Bởi vì, chỉ cần một cử động nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ hình ảnh giải phẫu cấu trúc cơ thể. Khi đó người bệnh cần thực hiện chụp MRI thêm lần nữa.
Tốn nhiều thời gian: Thời gian chụp MRI toàn thân rơi vào khoảng từ 40 – 60 phút. Kỹ thuật này thường không được ứng dụng trong trường hợp cấp cứu y tế.
Máy MRI thường phát ra tiếng ồn: Người bệnh cần sử dụng chụp tai hoặc đeo tai nghe chuyên dụng khi chụp MRI toàn thân để hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn.

Những bộ phận nào cần chụp MRI?
Chụp cộng hưởng từ toàn thân có thể giúp bác sĩ kiểm tra và đánh giá toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, bao gồm:

– Đầu: Phát hiện u não, dị dạng mạch máu não, thoái hóa não, u vùng hàm mặt…
– Lồng ngực: Phát hiện u trung thất, u phổi, kiểm tra hình thái tim.
– Cổ: Phát hiện u tuyến giáp, u hầu họng, khảo sát phần mềm ở cổ, tuyến nước bọt.
– Xương cột sống: Đánh giá xương cột sống và các dây thần kinh. Phát hiện lao, khối u, thoát vị đĩa đệm, ung thư cột sống.
– Ổ bụng: Phát hiện u thận, u tụy, u gan, phúc mạc…
– Chậu hông: Đánh giá xương chậu, khớp háng, phát hiện u tử cung, u trực tràng, u buồng trứng, đánh giá tuyến tiền liệt ở nam giới.
– Chụp MRI toàn thân có phát hiện ung thư không?
Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp CT, chụp x-quang, nội soi, siêu âm, chụp MRI… đều có thể hỗ trợ phát hiện sớm bệnh ung thư. Trong đó, chụp MRI toàn thân là kỹ thuật được áp dụng chẩn đoán ung thư phổ biến. Chụp cộng hưởng từ toàn thân còn giúp bác sĩ kiểm tra, sàng lọc những bệnh lý như viêm gan, thoát vị đĩa đệm, bệnh thận hoặc các khối u lành tính trong cơ thể.

Thông qua kết quả chụp cộng hưởng từ toàn thân, bác sĩ có thể phát hiện sớm các tế bào ung thư, bao gồm:

– Khối u tuyến giáp, u tuyến thượng thận, u thần kinh nội tiết tủy…
– Bệnh ung thư xương, bao gồm lymphoma, sarcoma xương, đa u tủy xương.
– Bệnh ung thư đường tiết niệu, sinh dục như ung thư bàng quang, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung.
– Bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, biểu mô đường tiêu hóa.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư cao trên thế giới và có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Do đó, phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần làm gia tăng tỷ lệ chữa khỏi hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.

Chụp MRI toàn thân giá bao nhiêu?
Chi phí chụp MRI toàn thân tương đối cao khoảng từ 10.000.000 VNĐ cho một lần chụp. Chi phí chụp cộng hưởng từ toàn thân ở các cơ sở y tế khác nhau sẽ có sự chênh lệch nhất định, phụ thuộc vào những yếu tố như:

Chất lượng của cơ sở y tế: Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ ở mỗi bệnh viện không giống nhau nên chi phí chụp MRI cũng có sự chênh lệch.
Loại máy MRI: Máy chụp MRI là thiết bị hiện đại có giá trị cao. Máy MRI càng hiện đại, càng nhiều ưu điểm thì chi phí thực hiện chụp MRI toàn thân có thể cao hơn máy thông thường.

*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.

Những điều cần lưu ý khi chụp MRI toàn thân
Dưới đây là một số điều cần lưu ý trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ toàn thân, cụ thể như sau:

– Máy chụp MRI sử dụng từ trường mạnh, vì vậy trước khi thực hiện người bệnh cần loại bỏ toàn bộ vật dụng kim loại khỏi cơ thể như đồng hồ, khuyên tai, khuyên mũi, khuyên bụng… Đồng thời, phương pháp chụp MRI chống chỉ định với người bệnh đang đặt các dụng cụ y tế kim – loại bên trong cơ thể như stent mạch vành, máy tạo nhịp tim, vít cố định xương…
– Trong suốt quá trình thực hiện, người bệnh cần nằm yên và thở từng nhịp theo hướng dẫn của kỹ thuật viên chụp MRI để kết quả hình ảnh giải phẫu có độ chính xác cao.
– Đối với dịch vụ chụp MRI bằng dòng máy hiện đại thì không cần sử dụng thuốc tương phản. Tuy nhiên, nếu chụp bằng dòng máy cũ, bác sĩ có thể bơm thuốc tương phản vào mạch máu của người bệnh. Khi đó, người bệnh có thể bị kích ứng thuốc tương phản, thế nhưng nguy cơ này tương đối thấp.
– Thông thường, trước khi chụp MRI người bệnh không cần nhịn ăn uống, trừ trường hợp có chỉ định khác từ bác sĩ.
Mặc dù chụp MRI có độ an toàn cao, tuy nhiên nếu đối tượng thực hiện là phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai thì cần thông báo cho bác sĩ biết để được hỗ trợ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch