• Khám phụ khoa là khám những gì? Cảm ơn bác sĩ. Xem trả lời

    Cơ quan sinh dục của phụ nữ được chia thành hai phần chính là: cơ quan sinh dục trên (tử cung, vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng) và cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung). Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ khám tổng quát và chi tiết tất cả các cơ quan thuộc bộ phận sinh dục. Đồng thời, nữ giới sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng…nhằm phát hiện chính xác bệnh lý gặp phải tại cơ quan sinh sản.

    Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo sẽ chỉ định họ làm thêm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cần thiết như sinh thiết cổ tử cung, xét nghiệm PAP…

  • Cho tôi hỏi thủ tục khám với bảo hiểm y tế tại Hợp Lực thế nào ạ? Xem trả lời

    Bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm Y tế khi đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế Hợp Lực, thực hiện theo hướng dẫn:

    1. Lấy số thứ tự khám chữa bệnh tại nơi đăng ký số (Nếu chưa rõ thông tin đến bàn tư vấn để biết thêm chi tiết)
    2. Đến quầy đón tiếp, xuất trình thẻ Bảo hiểm Y tế, giấy tờ tùy thân có ảnh, hồ sơ chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám để đăng ký và phân buồng khám lâm sàng, chuyên khoa.
    3. Bác sĩ khám bệnh, chỉ định các xét nghiệm, các thăm dò, sau đó bệnh nhân mang giấy tờ xuống bàn đón tiếp đóng dấu Bảo hiểm Y tế rồi đến các buồng chức năng để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật.
    4. Bệnh nhân chờ nhận kết quả kết quả các dịch vụ kỹ thuật xong quay về buồng khám bệnh để Bác sĩ kết luận và cho đơn thuốc
    5. Sau khi có đơn thuốc và số khám ngoại trú, bệnh nhân trở lại quầy thanh toán để thanh toán theo chế độ bảo hiểm Y tế. Thanh toán xong, Bệnh nhân ký vào bảng thanh toán Bảo hiểm Y tế (Ký và ghi rõ đầy đủ họ tên), lấy thẻ Bảo hiểm Y tế, đến quầy lấy thuốc.

    Chúc bạn nhiều sức khoẻ!

  • Bố bị ung thư gan có di truyền cho con không? Xem trả lời

    Ung thư biểu mô tế bào gan không phải là bệnh di truyền. Ung thư biểu mô tế bào gan có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng hay gặp nhất ở người nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, xơ gan…

    Bạn nên đưa vợ đến khám tại phòng khám chuyên khoa để xác định xem có bị nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C hay không cũng như nhận được tư vấn chuyên sâu từ các bác sĩ. Trân trọng!

  • Uống thực phẩm chức năng bổ gan thường xuyên thì có phòng ngừa xơ gan được không ạ? Em không bị bệnh gì về gan cả nhưng uống rượu bia hơi nhiều do tính chất công việc Xem trả lời

    Chào bạn! Xơ gan là giai đoạn cuối cùng của các bệnh gan mạn tính. Xơ gan do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng hay gặp nhất ở người nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, nghiện bia rượu. Do đó để phòng ngừa xơ gan cần phải phát hiện và điều trị kịp thời nguyên nhân gây bệnh. Việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ gan thường xuyên sẽ không có tác dụng phòng ngừa. Bạn có thể đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực để được tư vấn kỹ hơn. Trân trọng!

  • Một tuần nay em bị đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua. Em đã đi nội soi dạ dày thì được biết là hang vị, tiền môn vị, niêm mạc phù nề, sung huyết đỏ. Xin hỏi bác sĩ bệnh có nguy hiểm không? Cần làm gì để điều trị dứt điểm? Xem trả lời

    Viêm hang vị sung huyết là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm giãn nở do ứ máu nhiều. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

    Trước kia bệnh dạ dày được coi là bệnh nan y và nguy hiểm nhưng mấy chục năm gần đây nhờ nội soi phát triển nên bệnh đã được điều trị hiệu quả.

    Để điều trị dứt điểm bệnh viêm sung huyết hang vị dạ dày, trước hết, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa, nội soi dạ dày để tìm nguyên nhân, đánh giá mức độ bệnh. Căn cứ trên kết quả khám, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối sự chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Không được bỏ thuốc giữa chừng cũng như không được tự ý tăng giảm liều lượng thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

    Ngoài ra, người bị viêm sung huyết hang vị dạ dày có thể sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên như nghệ, mật ong… để hỗ trợ điều trị. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Nên kiêng ăn các thức ăn có vị chua, cay, nóng và các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ. Không uống rượu, bia, nước có ga. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Hạn chế uống cà phê… Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống điều độ đúng giờ, đủ bữa, không ăn quá no hoặc để quá đói. Và cần có chế độ tập luyện phù hợp.

  • Chào bác sĩ, Bác sĩ cho Em hỏi, thời gian gần đây e hay bị mỏi và hơi đau chỗ thắt lưng, nhưng chưa lần nào đau nặng. Em đi khám và chụp X-quang thì bị thoái hóa đốt sống thắt lưng L4, L5. Xin bác sĩ cho biết có cách nào trị dứt điểm bệnh này không ạ? Cảm ơn bác sĩ Xem trả lời

    Cho đến nay, Bệnh thoái hóa cột sống (cổ, thắt lưng,…) chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn (100%) mà chỉ có thể điều trị các cơn đau và hạn chế thoái hóa bằng các phương pháp phù hợp. Một số biện pháp dưới đây có lẽ sẽ giúp em giảm bớt và hết đau, mỏi cho em:

    – Khi còn ở mức độ nhẹ, cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu pháp an toàn (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng).

    – Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B hoặc châm cứu giảm đau (với bác sĩ có kinh nghiệm).
    – Thực hành thay đổi lối sống phù hợp, chế độ vận động, tập luyện, điều chỉnh theo tư thế đúng. Các tư thế hoạt động sai hàng ngày chính là một phần lý do khiến em bị thoái hóa cột sống. Do vậy khi điều trị không quên cải thiện lối sống, vận động để có thể hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng hơn và có thể phòng các cơn đau quay trở lại.

    Việc điều trị bằng phương pháp gì, thuốc gì cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa khớp, chuyên khoa thần kinh, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị.

    Em có thể đến BVĐK Hợp Lực để được chẩn đoán chính xác, tư vấn, điều trị chính xác, hiệu quả và hạn chế các tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị;

  • Làm sao có thể phòng tránh được lây nhiễm HPV và các vấn đề sức khỏe liên quan đến virut này? Xem trả lời

    Có một số các biện pháp có thể giúp hạn chế các nguy cơ này.

    – Tiêm vaccine: Vaccin HPV rất an toàn và có hiệu quả phòng bệnh. Tiêm vaccine cho các đối tượng nam nữ trong nhóm tuổi khuyến cáo tiêm phòng (trình bày phần sau) giúp cho đối tượng này đề kháng với các bệnh gây ra bởi virut HPV. Liệu trình tiêm vaccine này gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng. Tiêm đủ liệu trình là rất quan trọng để đạt được hiệu quả phòng bệnh.

    – Định kỳ sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung: Định kỳ sàng lọc cho phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65 có thể giúp phòng chống ung thư cổ tử cung.

    Khi các tham gia quan hệ tình dục:

    – Sử dụng bao cao su đúng cách mọi lúc có quan hệ; điều này giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV.

    Nhưng HPV có thể lây lan vào vùng cơ quan không được bao cao su che phủ, do đó bạn phải ý thức rằng bao cao su có thể không thể giúp bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi virut HPV.
    – Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.

    Nếu bạn còn băn khoăn về bệnh, hãy đến ngay BVĐK Hợp Lực để được tư vấn và thăm khám kịp thời! Chúc bạn sức khoẻ

  • Virut HPV có gây ra ung thư không? Mong bác sĩ giải đáp Xem trả lời

    HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. HPV còn có thể gây ung thư vòm họng, bao gồm cả gốc lưỡi và amydal (ung thư vùng miệng hầu).

    Ung thư có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị nhiễm HPV nhiều năm đến vài chục năm. Type HPV gây ra bệnh mụn cóc cơ quan sinh dục không giống type HPV gây ra bệnh ung thư.
    Hiện chưa biết được khi nào những người bị nhiễm HPV có thể tiến triển đến bệnh ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả những người nhiễm HIV/AIDS) có thể ít khả năng đề kháng với HPV hơn, và thường dẫn đến các vấn đề về sức khỏe do khi nhiễm virut này.

  • Thưa Bác sỹ, theo tôi được biết hiện tại đang có dịch sốt xuất huyết, tôi nuôi con nhỏ nên rất lo lắng. Vậy Bác sỹ có thể cho tôi biết các dấu hiệu của bệnh và cách điều trị tại nhà trước khi đưa đến Bệnh viện được không ạ? Cảm ơn Bác sỹ. Xem trả lời

    Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện lâm sàng sau: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau thì nghi mắc sốt xuất huyết:

    – Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

    – Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

    – Da xung huyết, phát ban.

    – Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

    Nguyên tắc điều trị khi bệnh nhân khi chưa đến bệnh viện:

    – Bổ sung dịch sớm, đủ bằng đường uống, uống đủ và đúng: oresol; cháo/súp; hoặc nước cháo loãng với muối; nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …).

    – Nếu sốt cao ≥ 38,50C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo, lau mát bằng nước ấm. Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h.

    – Không dùng nhóm salicylate (aspirin) và analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

    Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp những triệu chứng trên có thể đến ngay Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực để xác định chẩn đoán và hướng dẫn điều trị ngoại trú.

    Chúc bạn sức khoẻ!

  • Phương pháp điều trị dứt điểm rối loạn tiền đình là gì? Xem trả lời

    Chào bạn,

    Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình…

    Rối loạn tiền đình là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng của cơ thể, mang lại sự khó chịu và có thể nguy hiểm tùy vị trí tổn thương là trung ương hay ngoại biên.

    Với các triệu chứng trên, bạn nên khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa thần kinh, để xác định chẩn đoán. Nguồn gốc thương tổn và có kế hoạch điều trị. Nhân tiện, bạn hãy trao đổi chi tiết với bác sĩ về kế hoạch điều trị, và tuân thủ phác đồ của bác sỹ kèm tái khám để kiểm soát bệnh. việc uống kháng sinh nhiều tháng nếu được bác sĩ chỉ định thì có thể bạn đang bị tổn thương mà căn nguyên do các nhiễm trùng như do lao… Việc bỏ dở phác đồ trị liệu trong các bệnh như vậy hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

    Nếu có thắc mắc về bệnh, bạn nên tới ngay BVĐK Hợp Lực để được thăm khám và điều trị kịp thời. Chúc bạn nhiều sức khoẻ!

Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay