HỎI – ĐÁP về dịch COVID-19: Tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch có nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

TTO – Chiều nay đi tiêm ngừa, vì lo lắng và xung quanh đông quá, huyết áp của tôi lên 160 mmHg, nhịp tim 120 lần/phút. Bác sĩ nói ra ngoài ngồi 30 phút vào kiểm tra lại. Giờ tôi phải làm sao?

Với tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, tỉ lệ nặng, tử vong ngày càng tăng, và các chiến dịch tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 đang được thực hiện nhanh trên diện rộng, đã có nhiều cuộc điện thoại cho chúng tôi để được tư vấn về tiêm ngừa COVID-19, nhất là nhóm bệnh nhân có bệnh lý tim mạch mãn tính.

Sau đây là tư vấn chi tiết của THS – BSCK2 NGÔ QUANG THI – GIẢNG VIÊN BỘ MÔN NỘI – ĐẠI HỌC Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

* Tuổi già, có bệnh nền, có nên tiêm vắc xin?

Các cụ già có nhiều bệnh nền, tuổi cao nên khả năng chống đỡ nếu không may nhiễm COVID-19 là rất kém, dễ diễn tiến nặng và tỉ lệ tử vong khi mắc COVID-19. Nên trong y khoa, các cụ luôn là đối tượng ưu tiên tiêm ngừa khi có nguồn vắc xin thích hợp.

Vấn đề thứ hai là tính an toàn khi tiêm ngừa. Dịch bệnh xảy ra gần 2 năm với thời gian các vắc xin được nghiên cứu và được chấp thuận sử dụng khẩn cấp là khá ngắn.

Nhưng cho tới hiện tại, các vắc xin được phê duyệt đều chứng minh đủ tiêu chuẩn an toàn để được sử dụng trong tình huống khẩn cấp này. Tất nhiên, khi tiêm vắc xin vào cơ thể, không thể nào an toàn tuyệt đối 100% cho tất cả mọi người.

Thực tế tác dụng phụ nặng do vắc xin là rất thấp, trong khi đó lợi ích bảo vệ của nó lại vượt trội. Hầu hết nếu đã tiêm vắc xin rồi thì không may bị nhiễm bệnh cũng không chuyển biến nặng, do đó nhiễm bệnh sau tiêm vắc xin sẽ giảm tử vong…

Vậy lời khuyên của bác sĩ là các cụ nên đi tiêm đúng lịch đã được cơ quan chức năng sắp xếp và mang theo đầy đủ toa thuốc, sổ khám bệnh.

Bác sĩ khám tiêm ngừa sẽ xác định những yếu tố bệnh lý cụ thể để quyết định loại thuốc và nơi tiêm với mục đích an toàn nhất cho bệnh nhân. Và quan trọng là gia đình cho cụ mang khẩu trang y tế, tấm kính che giọt bắn và chú ý thực hiện 5K trong suốt thời gian đi tiêm ngừa.

* Mẹ tôi 68 tuổi bị tăng huyết áp, đái tháo đường đang điều trị ổn định theo toa thuốc bệnh viện gồm Pyzacar 50mg, Concor 5mg, Aspirin 81mg, Glucophage 850mg, Zyrova 10mg. Được xếp lịch chích ngừa trưa mai, vậy sáng mai tôi có cần ngưng cữ thuốc buổi sáng của mẹ không? Và trình bày với bác sĩ tiêm ngừa như thế nào?

– Đầu tiên cảm ơn chị vì cung cấp rất rõ ràng tình trạng bệnh và thuốc của mẹ chị đang dùng. Với tình huống cụ thể chị cung cấp, tất cả các thuốc chị nên cho mẹ tiếp tục dùng như bình thường. Không cần ngưng hay thay thế thuốc nào khác.

Chỉ nên mang theo toa thuốc khi đi chích ngừa để các bác sĩ xem nếu cần. Trong các thuốc này có Aspirin (thuộc nhóm thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: Aspirin, Clopidogrel…) là thuốc có tác dụng làm “loãng máu”, giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

Tuy nhiên, hiện tại các hướng dẫn điều trị của các hiệp hội y khoa hàng đầu thế giới đều xác nhận đây là nhóm thuốc an toàn và không cần điều chỉnh liều lượng hay trì hoãn việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho bệnh nhân khi chỉ sử dụng 1 trong các loại thuốc này (Aspirin hoặc Clopidogrel).

Do đó, chị cứ an tâm đưa mẹ đi tiêm ngừa và trình bày đầy đủ toa thuốc với bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các trường hợp bệnh nhân sử dụng kết hợp cả 2 loại thuốc trong nhóm thuốc được nêu trên thì nên tư vấn với bác sĩ đang điều trị để đưa ra cách giải quyết tốt nhất.

* Chào bác sĩ, mẹ em năm nay 66 tuổi, bị bệnh van tim và đã thay van tim 2 lá cơ học. Đang điều trị với thuốc chống đông Sintrom ổn định với INR làm gần đây là 2,8. Vậy có đi tiêm ngừa COVID không? Và có cần chuẩn bị hay chú ý gì để an toàn?

– Chào em. Đầu tiên xác nhận là tình trạng bệnh của mẹ phải nên tiêm ngừa COVID-19. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Huyết học của Anh thì nếu đang sử dụng thuốc chống đông máu đường uống như Warfarin (INR mục tiêu từ 2 – 3) thì có thể tiêm vắc xin COVID-19 (tiêm bắp) được mà không cần phải trì hoãn hay làm xét nghiệm trước khi tiêm nếu INR đợt gần nhất < 3.

Nếu mục tiêu điều trị INR > 3 thì cần tư vấn với bác sĩ đang điều trị để đưa ra cách giải quyết tốt nhất.

Thêm vào đó, vì máu loãng hơn so với bình thường, nên để giúp giảm tình trạng chảy máu, hình thành khối máu tụ trong cơ sau khi tiêm, nên dùng kim nhỏ: 23G, 25G và đè ép vào nơi tiêm 5 phút sau đó.

* Tôi 62 tuổi, bị bệnh tăng huyết áp và đang điều trị ổn định với thuốc uống mỗi ngày. Bình thường đo khoảng 120 – 130 /80 mmHg. Chiều nay đi tiêm ngừa, vì lo lắng và xung quanh đông quá, huyết áp của tôi lên 160 mmHg, nhịp tim 120 lần/phút. Bác sĩ nói ra ngoài ngồi 30 phút vào kiểm tra lại. Giờ tôi phải làm sao? Nếu không được tiêm ngừa thì tôi lo quá.

– Trước hết cảm ơn anh vì đã gọi bác sĩ khi đang lo lắng. Anh cứ yên tâm, vì huyết áp này là do lo lắng nhiều chứ không phải là huyết áp bình thường của anh. Nên anh cứ bình tĩnh, hít sâu và thở chậm.

Cố gắng không suy nghĩ tới những chuyện xấu về bệnh, không lo lắng về việc sẽ không được tiêm hay về tác dụng phụ của vắc xin. Chỉ khi anh thấy bình tĩnh lại, huyết áp và nhịp tim sẽ tự xuống thôi. Không cần dùng thêm thuốc gì khác.

Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm ngừa cho anh. Và ngay cả khi huyết áp vẫn 160 thì theo các khuyến cáo khoa học, tăng huyết áp phản ứng như mức độ của anh hầu như không ảnh hưởng gì đến việc phải trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19, nhất là trong giai đoạn bệnh đang lây lan nhanh như hiện nay.

Nếu huyết áp cao quá, trên 180/120, khi đó các bác sĩ có thể cho thêm thuốc tác dụng ngắn hạn đối với tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp, nhằm giúp anh được an toàn hơn và sau đó sẽ tiến hành tiêm cho anh, chứ không phải đợi huyết áp về dưới 140/90 mmHg mới tiêm ngừa, nên anh cứ an tâm. Hít thở sâu và không suy nghĩ chuyện buồn hay lo lắng.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay