Lưu ý trong phục hồi chức năng cho người bị viêm khớp

Viêm khớp là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giảm chức năng mãn tính và phần lớn các thể viêm khớp đều chưa có cách điều trị. Nhưng với một chương trình phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh duy trì và thậm chí cải thiện sức bền và sự linh hoạt của các khớp.

1. Tìm hiểu về phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là một cách chữa trị thực tiễn, phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác và nỗ lực của chính bệnh nhân. Phương pháp này sẽ bao gồm các bài tập, học cách chăm sóc các khớp bị đau và sưng, và phát hiện các cách để giảm thiểu sức tải lên các khớp.

Trong những giai đoạn đầu của viêm khớp, mục đích của quá trình phục hồi chức năng là duy trì hoặc cải thiện sức bền và tầm vận động của khớp. Nếu khớp bị tổn thương nặng, phục hồi chức năng sẽ tập trung vào kiểm soát những cơn đau và tìm các thiết bị đặc biệt để giúp bệnh nhân thực hiện các công việc cần thiết.

Phục hồi chức năng cũng có công dụng giúp phục hồi sau phẫu thuật khớp. Chương trình phục hồi chức năng sẽ bao gồm việc kiểm soát các triệu chứng, bài tập và thay đổi lối sống.

Quá trình phục hồi chức năng đòi hỏi sự kiên nhẫn của người bệnh. Bệnh nhân sẽ cần nhiều thời gian để nâng cao sức bền cho khớp và học cách để thực hiện những công việc quen thuộc theo một cách mới. Kết quả có thể sẽ cải thiện rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Phần lớn các bác sĩ chuyển bệnh nhân tới các chuyên viên vật lý trị liệu để tập phục hồi chức năng. Một số các nhân viên y tế khác cũng liên quan đến việc chăm sóc những người bệnh bị viêm khớp như điều dưỡng phục hồi chức năng, các nhân viên tư vấn phục hồi chức năng chuyên nghiệp, giải trí trị liệu, và đôi khi cả những nhân viên y tế xã hội, các nhà trị liệu ngôn ngữ, và tâm lý học. Bất luận, gặp chuyên gia nào thì phục hồi chức năng vẫn cần sự nỗ lực của một nhóm, trong đó có người bệnh, bác sĩ và chuyên viên vật lý trí liệu.

2. Một phác đồ phục hồi chức năng bao gồm những gì?

Tất cả những thông tin người bệnh cung cấp cho nhà trị liệu, cùng với kết quả của thăm khám, sẽ được sử dụng để xây dựng một chương trình phục hồi chức năng dành riêng cho bệnh nhân đó. Nhà trị liệu sẽ kết hợp chúng thành một phác đồ điều trị, mô tả mục tiêu của bệnh nhân và nhà trị liệu khi tiến hành. Phác đồ không những bao gồm các bài tập và liệu pháp, mà còn ước tính số lần thăm khám trong một khoảng thời gian bao lâu. Nhà trị liệu cũng sẽ cho biết kết quả mong đợi từ kế hoạch đã đề ra.

3. Tiến hành điều trị
3.1.Điều trị
3.1.1.Kiểm soát các triệu chứng
Liệu pháp phục hồi chức năng, bao gồm thuốc và các phương pháp điều trị khác được chỉ định bởi bác sĩ có thể giúp bệnh nhân kiểm soát khớp sưng và đau.

a) Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn bệnh đang bùng phát. Thông thường, nên tránh các hoạt động hoặc cử động gây ra những cơn đau dữ dội. Nếu không thể tránh các hoạt động này, hãy giảm bớt hoặc tranh thủ để khớp nghỉ ngơi.

b) Chườm nóng

Nhiệt sẽ làm cho mạch máu giãn nở, còn được gọi là sự giãn mạch. Giãn mạch sẽ giúp lấy đi những yếu tố làm đau cơ và khớp, đồng thời cũng giúp cho cơ được nghỉ ngơi. Những túi chườm nóng, miếng dán nóng, và khăn ấm là những cách hiệu quả nhất của nhiệt trị liệu. Nhiệt trị liệu thường liên quan đến chườm nóng vào vùng bị đau trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút. Chậu ngâm tay chân hoặc bồn tắm nước nóng đặc biệt hữu dụng cho các khớp tay hoặc chân. Khi đó bệnh nhân sẽ thấy đỡ đau và linh hoạt hơn sau khi được chườm nóng.

c) Kích thích điện

Các dòng điện nhỏ chạy xuyên qua da có thể giúp bệnh nhân bớt đau và giảm sưng. Kích thích điện làm giảm cơn đau bằng cách thay thế các tín hiệu thần kinh đau đớn bằng tín hiệu của dòng điện. Dãn cơ bắt đầu xãy ra khi những cơn đau giảm, làm cho cử động và hoạt động trở nên dễ dàng hơn.

d) Thoa kem tại chổ

Xoa bóp một số loại kem lên da có thể giúp giảm đau nhức khớp tạm thời. Việc xoa bóp làm giảm cơn đau, và kem tạo ra cảm giác ấm áp hoặc mát lạnh rất dễ chịu..

3.1.2.Thể dục trị liệu và tập luyện chức năng
Những bài tập và trị liệu đặc biệt có thể giúp bệnh nhân tăng cường khả năng thể chất, bao gồm vận động, sức bền, và thể lực nói chung. Nhà trị liệu cũng sẽ sử dụng các bài luyện tập chức năng khi bệnh nhân cần thực hiện các hoạt động đặc biệt một cách dễ dàng và an toàn hơn.

Lười tập luyện sẽ làm cho tình trạng viêm khớp thêm tồi tệ hơn. Khi khớp càng ít được sử dụng, thì nó càng yếu và dễ cứng khớp. Điều này sẽ làm những cơn đau tăng lên. Nhà trị liệu cũng có thể giúp bệnh nhân tìm cách kéo giãn và cử động để giúp khớp thêm vững chắc. Có nhiều mô hình tập luyện chuyên biệt mà các nhà trị liệu có thể khuyến cáo, đặc biệt dành cho những người bị viêm khớp.

a) Kéo giãn

Nhẹ nhàng kéo giãn các cơ và giúp khớp duy trì hình dạng và tính linh hoạt. Các nhà trị liệu sẽ hướng dẫn những bài kéo giãn đặc biệt cho từng loại khớp khác nhau.

b) Giữ vững khớp

Cũng có những bài tập giữ vững đặc biệt để giúp khớp luôn đúng vị trí. Khi khớp nằm đúng vị trí, sẽ ít bị cọ xát hoặc giãn quá mức, do đó sẽ ít đau hơn. Trục khớp chính xác cũng tránh làm biến dạng khớp.

c) Thể dục nhịp điệu

Nhà trị liệu và bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo bệnh nhân tập một số bài thể dục nhịp điệu. Bác sĩ thường khuyến cáo nên giành khoảng 30 phút cho một hoạt động vừa phải, và ít nhất năm ngày một tuần. Những người bị viêm khớp có thể thực hiện các bài tập an toàn như đi bộ, bơi lội, đạp xe tại chỗ, hoặc các bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng. Bác sĩ và nhà trị liệu có thể gợi ý một chương trình tập luyện dựa trên tổng trạng và sức khoẻ của bệnh nhân. Kiểm soát cân nặng đặc biệt quan trọng cho những bệnh nhân bị viêm khớp háng, gối, bàn chân, và cột sống. Giữ mức cân nặng thấp sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.

3.2. Các thiết bị đặc biệt
Có rất nhiều loại thiết bị khác nhau giúp bệnh nhân giảm thiểu sức tải lên khớp khi thực hiện các công việc thường ngày ở nhà hoặc tại cơ quan. Tùy vào vị trí khớp bị ảnh hưởng sẽ chọn loại thiết bị phù hợp.

3.3. Sống chậm lại
Hãy lên một kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh cần cân nhắc nhịp nhàng các hoạt động để không bị quá mệt mỏi, và không để khớp phải cử động trong đau đớn.

3.4. Để ý đến đời sống tinh thần
Việc trị liệu không chỉ bao gồm về phục hồi thể chất. Tinh thần có thể bị sa sút khi phải chống chọi đối mặt với những cơn đau và mất chức năng do viêm khớp. Hãy đảm bảo chăm sóc đời sống tinh thần và luôn nâng cao ý chí. Tập hít thở, nghỉ ngơi, và thiền là những phương pháp giúp bạn cảm thấy thư giãn.

4. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối
Phục hồi chức năng sau khi thay khớp gối là một phần rất quan trọng giúp phẫu thuật thành công. Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân sớm trở lại với lối sống năng động và khỏe mạnh thông qua việc kiểm soát đau, kéo giãn và tăng sức mạnh, tăng cường khả năng vận động và hoạt động độc lập của bệnh nhân.

Sau ngày phẫu thuật, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân bắt đầu chương trình phục hồi chức năng hàng ngày dành cho bệnh nhân nội trú. Chương trình này sẽ giúp bệnh nhân:

Duy trì tư thế an toàn và thoải mái
Kiểm soát cơn đau và sưng ở khớp gối
Tập đứng lần đầu tiên và đi các bước đầu tiên với các dụng cụ trợ giúp đi
Tăng cường vận động khớp và tăng sức mạnh các cơ
Tăng cường khả năng di chuyển và tự chủ
Chuẩn bị để trở về nhà và trở lại các hoạt động thường ngày
Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát những cơn đau trong thời gian phục hồi bằng hàng loạt các kỹ thuật không dùng thuốc như:

Chương trình liệu pháp chườm lạnh và liệu pháp chườm lạnh có áp lực
Cách đặt tư thế chân và các bài tập
Vận động khớp chủ động
Máy tập khớp gối thụ động liên tục để tăng vận động khớp gối và sự trao đổi chất
Máy kích thích thần kinh qua da (TENS) kiểm soát cơn đau cấp tính và mãn tính khi cần thiết
Hiện nay tại Khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực có chức năng điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho tất cả bệnh nhân. Với các bác sĩ là những thầy thuốc với nhiều kinh nghiệm tại các bệnh viện lớn của Trung ương có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề. Cùng với đó là đội ngũ kỹ thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm, lực lượng trợ giúp chăm sóc luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong việc di chuyển an toàn.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch