Rách/đứt gân cơ nhị đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

(Rách) Đứt gân cơ nhị đầu cánh tay là chấn thương bắp tay trước thường gặp trong thể thao cũng như sinh hoạt hàng ngày. Khi gặp phải chấn thương này, người bệnh thường bị hạn chế vận động, thậm chí mất hoàn toàn khả năng cử động khớp vai. Vì thế, bệnh cần được tầm soát và can thiệp sớm nhằm hạn chế tối đa biến chứng.

Đừng chủ quan với đứt gân cơ nhị đầu (gân cơ bắp tay trước) – chấn thương thể thao thường gặp

Cơ nhị đầu (còn gọi là cơ tay trước – Biceps) có hai gân bám vào xương mỏm cùng vai (gân đầu dài và gân đầu ngắn) và một gân bám vào xương quay ở khuỷu tay. Gân là những dải mô cứng kết nối cơ với xương và cho phép chúng ta cử động tay chân. Chức năng chính của gân cơ nhị đầu là giúp cánh tay gập duỗi và xoay trong cẳng tay (hành động vặn nút cổ chai).

Đứt gân cơ nhị đầu là gì?
Rách/Đứt gân cơ nhị đầu (tiếng Anh là Biceps Tendon Tear) là tình trạng hoạt động quá mức hoặc lặp đi lặp lại một động tác liên tục khiến gân cơ nhị đầu có thể bị mòn và cuối cùng bị rách/đứt. Rách gân nhị đầu cũng có thể xảy ra do chấn thương, chẳng hạn như vặn khuỷu tay hay vai một cách đột ngột, hoặc dùng cánh tay chống đỡ khi té ngã. Đối với vị trí khuỷu tay, gân thường rách trong quá trình nâng vật nặng (như sofa, giường, tủ lạnh…)

Về cơ bản, có 2 dạng vết rách gân cơ bắp tay:

Rách một phần: Nhiều vết rách không cắt đứt gân hoàn toàn
Rách hoàn toàn (đứt): Vết rách hoàn toàn, tách gân vùng nhị đầu cánh tay thành 2 phần
Trong nhiều trường hợp, đứt gân bắt nguồn từ nhiều vết rách nhỏ. Khi các tổn thương tiến triển xấu đi, mà không có liệu trình điều trị phù hợp, các vết rách sẽ dần chuyển sang đứt hẳn, đặc biệt là khi nâng vật nặng. Khi gân cơ nhị đầu cánh tay rách, cũng sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của vai, chẳng hạn như rách gân cơ chóp xoay.

Phân loại tình trạng rách gân cơ bắp tay
Có hai vị trí chấn thương gân nhị đầu là vai và khuỷu tay. Gân cơ tay trước có thể rách hoàn toàn hoặc một phần. Khi rách hoàn toàn có nghĩa là gân đã bị tách rời khỏi xương.

1. Đứt gân cơ nhị đầu ở vai
Đây là loại chấn thương ở gân cơ nhị đầu phổ biến nhất. Tổn thương xảy ra khi một trong hai đầu gân cơ bắp tay trước gắn với xương vai bị rách. Gân đầu dài dễ bị rách hơn gân đầu ngắn. May mắn là ngay cả trong trường hợp gân đầu dài bị đứt hoàn toàn thì gân đầu ngắn vẫn cho phép bạn tiếp tục sử dụng cơ bắp tay. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, vết thương sẽ diễn tiến nặng, làm tổn thương các bộ phận khác của vai.

2. Đứt gân cơ nhị đầu cánh tay
Đứt gân cơ nhị đầu ở cánh tay thường xảy ra khi khuỷu tay gặp phải một lực tác động mạnh. Lực này có khả năng làm rách gân ra khỏi xương (rách hoàn toàn).

Khi bạn gặp chấn thương ở vị trí này, các gân khác của cánh tay vẫn hoạt động bù trừ để đảm bảo tay cử động gần như bình thường, nhưng với lực yếu hơn. So với vùng ở vai, chấn thương ở cánh tay và khủy tay ít phổ biến hơn, chỉ gặp ở khoảng 3 – 5/100.000 người. Chấn thương này cũng ít xảy ra ở phụ nữ.

Dấu hiệu nhận biết đứt/rách gân bắp tay
Triệu chứng rõ ràng nhất khi gân cơ nhị đầu bị đứt là cơn đau đột ngột, dữ dội ở phần trên của cánh tay hoặc khuỷu tay, tùy thuộc vào vị trí gân đứt. Kèm theo đó là âm thanh “póc” đi kèm. Ngoài ra, các dấu hiệu khác cho thấy bạn bị đứt gân nhị đầu là:

Cảm giác nóng ấm ở khu vực xung quanh vết thương;

Xuất hiện vết bầm tím từ giữa bắp tay xuống đến khuỷu tay;
Đau nhức tại vị trí chấn thương lan khắp cánh tay, ban đầu thường nghiêm trọng và thuyên giảm sau vài tuần;
Lực cánh tay yếu đi;
Cơn đau tăng lên ở cánh tay khi bạn thực hiện các động tác lặp đi lặp lại;
Sưng ở bắp tay vì cơ tay trước không còn được giữ ở đúng vị trí;
Khó xoay cánh tay theo vị trí lòng bàn tay hướng lên (hoặc hướng xuống).
Nguyên nhân rách gân cơ nhị đầu
Hai nguyên nhân chính dẫn đến đứt gân nhị đầu là do chấn thương và vận động quá sức.

Chấn thương xảy ra trong lúc bạn nâng vật nặng hoặc chống tay khi té ngã. Đây là nguyên nhân khá phổ phổ biến.
Vận động quá sức trong thời gian dài khiến cho các sợi gân bị mòn và xơ dần. Tình trạng này cũng có thể xảy đến một cách tự nhiên do tuổi tác (lão hóa). Bên cạnh đó, vận động viên chơi các môn thể thao có chuyển động cánh tay lặp đi lặp lại (như cử tạ, bơi lội, quần vợt) cũng có nguy cơ cao bị chấn thương.

Phương pháp chẩn đoán chấn thương gân cơ nhị đầu

Để chẩn đoán đứt gân cơ nhị đầu cánh tay, trước tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử của bạn. Bạn cần cho bác sĩ biết về các triệu chứng mình gặp gần đây, tổn thương xảy đến trong trường hợp nào và cơn đau bắt đầu khi nào.

Sau đó, bác sĩ tiến hành bài kiểm tra sức khỏe để đánh giá phạm vi chuyển động và sức mạnh cơ bắp của bạn. Trong các bài kiểm tra này, bác sĩ sẽ đánh giá cơn đau của ban qua một số chuyển động cơ thể, đặc biệt là xoay người. Bác sĩ cũng khám xem cánh tay bạn có sưng, bầm tím hoặc phồng lên không.

Thông thường, dựa vào tình trạng bệnh sử và thăm khám thể chất là có thể đủ cơ sở để bác sĩ chẩn đoán đứt hay rách gân nhị đầu. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bác sĩ có thể chỉ định bạn chụp X-quang nhằm loại trừ các chấn thương cơ xương khớp khác; chụp MRI để xem vết rách một phần hay toàn bộ…

Biện pháp điều trị
Theo Bác sĩ Vũ Tú Nam, phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương, cũng như chức năng vận động tổng thể của bắp tay. Ngoài ra, quá trình điều trị có phức tạp hay không còn phụ thuộc vào tình trạng vết rách có gây tổn thương cho các bộ phận khác, chẳng hạn như chóp xoay hay không.

Các phương pháp điều trị chấn thương gân nhị đầu vùng cánh tay trên thường được áp dụng gồm:

1. Nghỉ ngơi
Đối với những vết rách gân nhị đầu ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi, sử dụng cánh tay càng ít càng tốt để cơ tay có thời gian phục hồi. Tránh nâng hoặc cầm vật nặng, đồng thời tạm ngưng các hoạt động thể thao đòi hỏi sử dụng cánh tay đang bị thương.

2. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Đây là loại thuốc giúp giảm viêm, sưng do chấn thương. Thuốc cũng có tác dụng giảm đau đối với các loại chấn thương ở gân bắp tay.

3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu bao gồm các bài tập phục hồi chức năng, giúp bạn lấy lại sức mạnh và phạm vi vận động sau chấn thương. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một loạt bài tập được thiết kế riêng nhằm mục đích chữa lành vết thương và giảm đau.

4. Phẫu thuật
Nếu các biện pháp trên không thể giúp vết thương lành lại, hoặc trong trường hợp gân bị rách hơn 50%, bác sĩ sẽ đề nghị áp dụng phẫu thuật để điều trị vết thương.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ gắn lại gân vào xương như trạng thái ban đầu. Các biến chứng có thể xảy ra trong và sau mổ nhưng rất hiếm như: tê/yếu cánh tay, nhiễm trùng, chảy máu và phản ứng bất lợi với thuốc gây mê (bao gồm đau tim, đột quỵ và tử vong)… Ở một số ít trường hợp, gân có thể bị rách trở lại.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh phải đeo đai, bó bột hoặc nẹp để cố định cánh tay trong vòng 4 – 6 tuần. Sau đó, bạn cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh cho cánh tay và cải thiện phạm vi chuyển động.
Thời gian bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật đứt gân cơ nhị đầu vùng cánh tay phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Ngay cả những vết thương nhẹ cũng mất ít nhất hai tháng để chữa lành hoàn toàn. Sau đó 2 – 3 tháng nữa, bạn mới nên trở lại các hoạt động bình thường.
Đối với các chấn thương rách gân cơ nhị đầu mức độ nặng, thời gian cần thiết để phục hồi từ 9 tháng đến 1 năm.
Phương pháp phòng ngừa

1. Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao
Đây là nguyên tắc mà mọi vận động viên, cả không chuyên lẫn chuyên nghiệp, đều phải ghi nhớ. Việc khởi động kỹ trước khi ra sân sẽ giúp làm nóng cơ thể, làm ấm cơ bắp và nới lỏng các khớp, từ đó hạn chế chấn thương.
Ngoài ra, nếu đặc thù công việc của bạn phải thường xuyên nâng vật nặng hoặc thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại, thói quen khởi động cũng sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương trong công việc.

2. Nghỉ ngơi giữa các hiệp đấu
Không phải ngẫu nhiên mà mọi môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, tennis… đều có thời gian nghỉ giữa các hiệp. Đây là khoảng thời gian quý báu để cơ bắp nghỉ ngơi và phục hồi. Bạn hãy lắc mạnh hai cánh tay để đưa máu đến tay nhiều hơn, đồng thời ngăn không cho các cơ vùng này căng lên quá mức.

3. Ngừng ngay nếu bạn cảm thấy bất kỳ cơn đau nhói nào
Những cơn đau là dấu hiệu cho thấy bạn đang tạo ra quá nhiều áp lực cho cơ bắp. Đừng cố gắng vượt qua nó, nếu không, bạn có thể khiến một chấn thương nhỏ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Hãy ngừng tập ngay và để cơ bắp nghỉ ngơi cho đến khi không còn bất kỳ cơn đau nào nữa.

4. Thận trọng khi chơi thể thao nếu bạn trên 30 tuổi
Rách gân cơ nhị đầu phổ biến hơn nhiều ở những người trên 30 tuổi vì gân và cơ độ tuổi này đang dần thoái hóa theo thời gian. Nếu bạn đã ở tuổi U40 và thường xuyên chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao có tính va chạm (như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền…), hãy hết sức thận trọng.

Cần học cách té ngã để không tiếp đất bằng vai, cũng đừng chống tay nhằm tránh bị thương vùng này.
Tránh nâng các vật quá nặng so với sức mình
Tương tự như việc không nên nâng đòn tạ quá nặng, bạn cũng đừng cố gắng mang vác những đồ vật có trọng lượng vượt quá sức mình.
Nếu phải mang vật nặng, cần lưu ý không dang rộng cánh tay vì sẽ gây ra áp lực lớn đối với bắp tay. Thay vào đó, hãy giữ đồ vật càng gần cơ thể càng tốt. Cũng không nên nâng vật nặng quá đầu để hạn chế chấn thương vùng vai.

5. Bỏ thuốc lá
Có một mối tương quan trực tiếp giữa hút thuốc và chấn thương cơ bắp. Hút thuốc sẽ làm hạn chế oxy đến cơ và gân của bạn, khiến chúng trở nên căng và giòn hơn. Vì thế nếu bạn hút thuốc, hãy dừng lại càng sớm càng tốt để tránh tổn hại cơ bắp nói riêng và sức khỏe nói chung.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch