Suy giãn tĩnh mạch chân chữa thế nào, có cần phải phẫu thuật?

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, xảy ra ở cả nam và nữ, chủ yếu ở những người trên 30 tuổi, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam. Suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân.

Nhiều người khi mắc suy giãn tĩnh mạch chân thường băn khoăn chữa trị như thế nào, có cần phải phẫu thuật không. Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Vì sao mắc suy giãn tĩnh mạch chân?
Bình thường tĩnh mạch chi dưới có hệ thống van một chiều, đảm bảo cho dòng máu di chuyển ngược chiều từ ngoại vi về trung tâm. Do gánh nặng tuổi tác, các cấu trúc thành mạch thoái hóa hoặc ở một số đối tượng có nguy cơ cao như tư thế làm việc phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, có thai hoặc dùng thuốc tránh thai định kỳ, yếu tố gia đình… sẽ làm hệ thống van một chiều của tĩnh mạch bị hư hỏng không hồi phục. Điều này dẫn tới ứ máu ở ngoại vi chi dưới, gây nên các biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, hay suy van tĩnh mạch chân.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp như lối sống ít vận động, tính chất công việc phải đứng nhiều, thói quen đi giày cao gót ở phụ nữ, làm vô hiệu hóa hệ thống bơm máu dưới bàn chân, làm ứ trệ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.

Việc sử dụng thuốc tránh thai ở phụ nữ hay quá trình thai nghén, người béo phì, thức khuya, các stress… cũng ảnh hưởng nhất định đến căn bệnh này. Bên cạnh đó còn phải kể đến yếu tố gia đình, nếu trong gia đình có người mắc bệnh, đặc biệt nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì nguy cơ mắc bệnh ở người con lên tới 80%.

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, xảy ra ở cả nam và nữ.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân
1. Ở giai đoạn đầu
Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh ít có cảm giác nhận thấy:

– Đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường.

– Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều.

– Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.

– Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

2. Ở giai đoạn tiến triển
Người bệnh thấy tình trạng càng rõ hơn, cụ thể hơn.

– Bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.

– Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng.

– Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da…

3. Ở giai đoạn biến chứng
Ở giai đoạn này bệnh gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

Để phòng ngừa bệnh suy giảm tĩnh mạch chân cần thay đổi lối sống, năng vận động, nhất là với người hay đi giày cao gót, thường phải đứng lâu để làm việc.

Chữa suy giãn tĩnh mạch chân như thế nào?
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Trong đó điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch, nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch.

Người bệnh cần thay đổi lối sống: Nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân. Nếu thay đổi lối sống nhưng không làm giảm triệu chứng bệnh, cần tiêm xơ tĩnh mạch, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay tia laser…

Phẫu thuật được chỉ định khi chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch gây biến chứng loét, giãn lớn các tĩnh mạch hoặc gây đau tức khi vận động đi lại, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ hệ thống tĩnh mạch giãn, giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch dưới da. Điều này giúp các tĩnh mạch giãn không tăng lên và ngăn ngừa các giãn tĩnh mạch mới phát triển. Việc loại bỏ hệ thống tĩnh mạch nông không làm ảnh hưởng đến vận chuyển máu về tim, vì nó sẽ đi theo hệ thống tĩnh mạch sâu (nằm sâu bên trong cơ).

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được siêu âm đánh giá mức độ giãn và đánh dấu các tĩnh mạch bị ảnh hưởng để loại bỏ. Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi hệ thống tĩnh mạch sâu bình thường đủ khả năng thay thế hệ tĩnh mạch nông.

Tóm lại: Bệnh suy tĩnh mạch chân tiến triển chậm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng. Vì vậy, những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm, nhằm tránh những biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

Để phòng ngừa bệnh cần thay đổi lối sống, cần năng vận động, nhất là với người hay đi giày cao gót, thường phải đứng lâu để làm việc. Bên cạnh đó, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, không để bị béo phì, cần chú ý các dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch