Tăng huyết áp: Sao ngày càng nhiều người mắc

Tăng huyết áp (hay cao huyết áp, dân gian còn gọi là tăng xông) là một trong 4 bệnh đặc trưng của mô hình bệnh tật thế kỷ 21. Số người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng của nền kinh tế xã hội và tuổi thọ của con người.

Tăng huyết áp là gì?

Một người được xác định có tăng huyết áp khi huyết áp thường xuyên bằng hoặc cao hơn 130/80 mmHg. Thời điểm đo huyết áp lý tưởng nhất là khi bệnh nhân mới ngủ dậy buổi sáng.

Đối tượng và nguyên nhân tăng huyết áp

Theo điều tra của Viện Tim mạch năm 2002, ở Việt Nam số nguời mắc bệnh tăng huyết áp chiếm 16,62% dân số. Hiện nay theo những thống kê 2015, tại Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành (25 – 64 tuổi) là 23,4%.

– Người trẻ: Nguyên nhân chủ yếu do khối u ở tuyến thượng thận hay bị hẹp động mạch thận…

– Người lớn: Người lớn trên 40 tuổi thường bắt đầu bị tăng huyết áp, riêng người từ 65 tuổi trở lên khoảng 50% bị mắc bệnh. Đối tượng này thường không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, nên thường gọi tăng huyết áp vô căn. Y học ghi nhận, ở người lớn, do thành mạch máu bắt đầu xơ vữa, giảm độ đàn hồi, ảnh hưởng dòng mạch máu lưu thông nên dẫn đến tăng huyết áp. Người mắc bệnh này phải điều trị suốt đời.

Các yếu tố thúc đẩy quá trình tăng huyết áp ở người lớn:

+ Hút thuốc, uống rượu.

+ Lối sống ít vận động.

+ Luôn lo lắng, căng thẳng cũng là yếu tố dẫn đến huyết áp tăng.

+ Thừa cân, béo phì dẫn đến rối loạn chuyển hóa như mỡ máu (cholesterol xấu) tăng lên, tiểu đường gây tăng huyết áp. Đặc biệt, ở người có nhiều yếu tố này thì nguy cơ bệnh tăng huyết áp có thể cao hơn người bình thường từ 1,4 – 1,6 lần.

Hiện nay, bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, đặc biệt nhiều trẻ béo phì sớm, về sau rất dễ mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Do vậy, chế độ ăn uống không khoa học ngay từ khi còn bé cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim mạch sau này.

Triệu chứng tăng huyết áp

Về triệu chứng chung, khi huyết áp tăng, bệnh nhân có thể nhức đầu, chóng mặt, mỏi gáy, nhìn mờ, nghe ù tai, o o ở tai, có hiện tượng ruồi bay trước mặt, mặt hay đỏ phừng…

Để phát hiện sớm bạn có mắc bệnh tăng huyết áp hay không, cần phải đo huyết áp thường xuyên tại nhà hoặc đi khám sức khỏe định kỳ. Vì có nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng và tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe tổng quát.

Ngoài ra, có trường hợp bệnh nhân bị cao huyết áp lúc có lúc không – được gọi là tăng huyết áp dao động. Để biết rõ tình trạng huyết áp, bác sỹ sẽ cho ghi huyết áp 24 giờ.

Biến chứng tăng huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.

– Tim: Tim bị dầy, giãn và suy tim. Tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim.

– Mắt: Tăng huyết áp có thể làm hư những mạch máu ở mắt, gây xuất huyết võng mạc. Thực tế, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện do nhức đầu hoặc xuất huyết mắt và kết quả thăm khám phát hiện đây là biến chứng của tăng huyết áp. Vì vậy, với bệnh nhân bị tăng huyết áp lâu năm, bác sĩ sẽ cho đi khám mắt định kỳ để phát hiện biến chứng tại mắt.

– Não: Biến chứng thường gặp của tăng huyết áp là tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Khi đó mạch máu bị tắc lại gây nhũn não hoặc vỡ gây xuất huyết não khiến bệnh nhân bị liệt, hoặc có thể dẫn đến tử vong. Nếu bị liệt, người bệnh không thể sinh hoạt, làm việc bình thường, có người phải nằm liệt giường, điều này tạo nhiều áp lực khó khăn cho bản thân và gia đình. Khi huyết áp ở mức 160/95 mmHg thì tỉ lệ đột quỵ tăng từ 2,9 lần (nữ) và 3,1 lần (nam) so với những người có huyết áp bình thường.

– Thận: Suy thận phải chạy thận suốt đời.

Sai lầm của người bệnh trong quá trình diều trị tăng huyết áp

– Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính, do đó việc điều trị tăng huyết áp là lâu dài và có thể suốt đời. Nhiều bệnh nhân đang được điều trị thấy huyết áp ổn định và tự ý ngưng thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì có nguy cơ huyết áp tăng vọt.

– Một toa thuốc không thể uống suốt đời, bệnh nhân nên tái khám định kỳ mỗi 2 – 3 tháng, vì mỗi giai đoạn bệnh sẽ có sự đáp ứng với điều trị khác nhau.

– Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc ở nhà thuốc hay dùng toa của người khác, vì mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau.

Cách phòng bệnh tăng huyết áp

Để dự phòng bệnh tăng huyết áp, hãy thực hiện một số biện pháp như sau:

– Phát hiện sớm tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp thường xuyên tại nhà. Bệnh nhân được khuyến cáo nên đo huyết áp 3 lần một tuần. Với máy đo huyết áp, nên chọn máy có thương hiệu uy tín. Loại máy đo huyết áp ở cánh tay sẽ chính xác hơn ở cổ tay.

– Giảm cân nặng xuống mức tiêu chuẩn vì nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa chỉ số vòng bụng và bệnh tăng huyết áp.

– Không hút thuốc lá.

– Hạn chế uống rượu bia.

– Hạn chế ăn nhiều chất béo như mỡ động vật và các món ăn xào rán, các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, trứng.

– Nên ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

– Nên thực hiện một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

– Chơi những môn thể thao yêu thích. Nếu người 40 tuổi chưa bị các bệnh về xương khớp có thể chơi cầu lông, tennis, còn người bị bệnh khớp có thể chuyển sang đi xe đạp, bơi lội…

– Cuối cùng nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để có thể phát hiện sớm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp.

Điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực

Bệnh nhân khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực sẽ được bác sĩ khám tim phổi và được chỉ định làm điện tâm đồ, siêu âm tim, soi đáy mắt và làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu. Đối với trường hợp nghi ngờ có tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ được đeo máy đo huyết áp 24 giờ. Sau khi có được đầy đủ các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ gặp bệnh nhân giải thích kết quả, xác định tình trạng bệnh và từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch