XUẤT HUYẾT NÃO, LIỆT NỬA NGƯỜI DO TĂNG HUYẾT ÁP VÀ HÀNH TRÌNH PHI THƯỜNG TÌM LẠI TỪNG BƯỚC ĐI
Ông H.N.T., 59 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa, là một người thợ xây lành nghề, nhưng cũng là một người nghiện rượu lâu năm. Ông mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không kiểm soát tốt và cũng không dùng thuốc đều đặn. Một buổi sáng khi đang làm việc, ông đột nhiên cảm thấy chóng mặt, choáng váng rồi đổ gục xuống. Gia đình nghĩ rằng ông chỉ say rượu nên không đưa đi cấp cứu ngay. Chỉ đến khi ba giờ trôi qua mà ông vẫn bất động, không tỉnh lại, người thân mới hốt hoảng đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực trong tình trạng nguy kịch.
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành thăm khám, chụp chiếu và đưa ra kết luận: Bệnh nhân bị xuất huyết não nghiêm trọng do huyết áp tăng quá cao. Ngay lập tức, khoa Hồi sức tích cực vào cuộc, triển khai mọi phương pháp để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Trong thời gian nằm viện, ông T. tiếp tục đối mặt với biến chứng nguy hiểm: viêm phổi ứ đọng, viêm đường tiết niệu do nằm bất động lâu ngày, suy nhược cơ thể vì rối loạn nuốt…
Sau một tháng điều trị, ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng rơi vào một tình trạng bi đát khác: liệt hoàn toàn nửa người phải, tay chân bất động, mất khả năng nói, ý thức chậm chạp, phải ăn qua sonde dạ dày, không thể tự chủ trong đại tiện, hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc.
Thế nhưng, hành trình của ông T. chưa dừng lại ở đó. Với sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ và nghị lực phi thường của chính mình, ông được chuyển sang Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. Tại đây, các bác sĩ đã kiên trì áp dụng nhiều phương pháp điều trị tiên tiến: điện châm, điện xung, xoa bóp bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, tập với bàn nghiêng, các bài tập vận động từ thụ động đến chủ động, tập thăng bằng, tập đi, hoạt động trị liệu cho bàn tay và ngón tay, tập nuốt…
Điều kỳ diệu đã xảy ra! Qua từng ngày, bệnh nhân có những tiến triển đáng kinh ngạc. Chỉ sau hai tuần điều trị và kiên trì tập luyện, ông T. đã có thể tự đi lại, nói chuyện, đôi bàn tay cứng đờ ngày nào giờ có thể cầm nắm, tự phục vụ bản thân.
Khoảnh khắc ông đứng dậy được, không chỉ gia đình mà cả các bác sĩ, điều dưỡng đều vỡ òa trong niềm vui sướng. Người đàn ông tưởng chừng đã đánh mất tất cả, nay đã tìm lại chính mình.
Câu chuyện của ông T. không chỉ là minh chứng cho ý chí kiên cường của con người trước nghịch cảnh, mà còn là lời khẳng định về sự tận tâm, nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp và chăm sóc sức khỏe.
Sự sống luôn chứa đựng những phép màu – miễn là ta không bỏ cuộc!
Bài viết liên quan
-
NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG CÓ ĂN ĐƯỢC TÁO ĐỎ KHÔNG?
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Đây… -
HỘI CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ TRONG THAI KỲ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ mà theo ước tính của các chuyên gia, có thể ảnh hưởng đến khoảng 26% phụ nữ mang… -
6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản
Giãn phế quản là tình trạng các phế quản bị giãn ra và khó hồi phục được, dễ gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh… -
LỄ KÝ KẾT HỢP TÁC GIỮA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỢP LỰC VÀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ VINMEC TIMES CITY
Sáng ngày 25/11/2024, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên môn.…