Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn được thành lập từ năm 2005 (Trước đây là khoa Chống nhiễm khuẩn đổi tên khoa năm 2012) có nhiệm vụ giặt là đồ vải, tiệt trùng dụng cụ và giám sát vệ sinh của bệnh viện. Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện dựa trên thông tư 16/2018/TT-BYT ngày 20 tháng 7 năm 2018 (Trước đây là thông tư 18/2009/TT-BYT).
Chức năng, nhiệm vụ của khoa
Phối hợp với các Khoa, Phòng liên quan thực hiện các nội dung công tác sau:
– Xây dựng kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn hàng năm để trình Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn thẩm định trước khi Giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.
– Đầu mối xây dựng các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở các quy định, hướng dẫn chung của Bộ Y tế và trình Giám đốc đơn vị phê duyệt và tổ chức thực hiện.
– Trực tiếp theo dõi kiểm tra, đôn đốc chất lượng vệ sinh bệnh viện
– Đầu mối phối hợp với các khoa, phòng liên quan giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm:
- Thiết lập và vận hành hệ thống điều tra, phát hiện, thông báo và đánh giá các nhiễm khuẩn bệnh viện ở bệnh nhân và nhân viên y tế từ các khoa phòng và đề xuất các giải pháp can thiệp kịp thời.
- Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thực hiện đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn trong công tác khám, chữa bệnh.
- Tuyên truyền, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, tham gia hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến dưới về kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Quản lý, giám sát các hoạt động khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, cung cấp dụng cụ vô khuẩn, đồ vải phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện.
- Phối hợp với các khoa, phòng, các thành viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn phát hiện, giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
– Tiệt khuẩn, khử khuẩn dụng cụ y tế và giặt là cung cấp đồ vải:
- Tổ chức đóng gói, khử khuẩn, tiệt khuẩn đồ vải, dụng cụ y tế… phục vụ công tác phẫu thuật, chăm sóc và điều trị cho toàn bệnh viện
- Tổ chức cung cấp đồ vải, giặt là khử khuẩn toàn bộ đồ vải của bệnh viện (người bệnh và người nhà người bệnh).
- Tổ chức may vá, sửa chữa và bảo quản đồ vải, vật liệu, dụng cụ y tế; đề nghị huỷ các đồ vải không không đảm bảo chất lượng theo quy định.
- Tổ chức vận chuyển và giao nhận đồ vải, dụng cụ y tế tại khoa phòng.
– Tổ chức cấp phát, thu gom đồ vải tập trung cho bệnh nhân vào và ra viện hàng ngày.