VIÊM KHỚP DẠNG THẤP ĐỢT HOẠT ĐỘNG – BỆNH LÝ NGUY HIỂM CẦN KIỂM SOÁT SỚM
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, gây viêm mạn tính tại các khớp và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến biến dạng khớp, suy giảm chức năng vận động và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường trải qua các đợt viêm khớp cấp với triệu chứng đau nhiều, sưng nóng, cứng khớp vào buổi sáng, kèm theo tình trạng mệt mỏi toàn thân. Ngoài ra, bệnh còn có thể đi kèm với các bệnh lý khác như gút mạn, loãng xương, tăng huyết áp, rối loạn điện giải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (sinh năm 1968, trú tại P. Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) có tiền sử tai biến mạch máu não, viêm khớp dạng thấp, gút mạn, loãng xương và đã thay khớp háng trái. Lần này, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau khớp cổ tay phải, đau các khớp bàn ngón tay hai bên, mệt mỏi, nôn nhiều, ăn uống kém, dù đã sử dụng thuốc tại nhà nhưng không thuyên giảm.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp RF (+) trong đợt hoạt động, kèm theo rối loạn điện giải, tăng huyết áp, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loãng xương, gout mạn, suy tuyến thượng thận, di chứng tai biến mạch máu não và trật khớp háng trái đã được nắn chỉnh ngày thứ 14. Khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình như đau nhiều khớp kèm sưng nóng, mức độ đau theo thang điểm VAS (thang đo mức độ đau) đạt 7/10. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nôn nhiều, da niêm mạc nhợt nhạt, yếu nửa người trái do di chứng tai biến mạch máu não. Đáng chú ý, bệnh nhân có kiểu hình Cushing và xuất hiện nhiều hạt tophi tại các vị trí đặc trưng của gout mạn. Huyết áp đo được 100/60 mmHg, mạch 89 CK/p. Với tình trạng bệnh phức tạp, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực nhằm kiểm soát bệnh lý nền, cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Sau quá trình điều trị tích cực với phác đồ phù hợp, tình trạng của bệnh nhân đã có sự cải thiện rõ rệt. Dưới sự giám sát sát sao của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân được điều trị bằng DMARDs cổ điển kết hợp với thuốc giảm đau, chống viêm, cân bằng điện giải, kiểm soát huyết áp và bổ sung canxi D3. Nhờ vào sự chăm sóc tận tình và điều chỉnh kịp thời phương pháp điều trị, cơn đau khớp đã giảm đáng kể, mức độ đau theo thang điểm VAS giảm xuống còn 2/10. Bệnh nhân không còn nôn, ăn uống tốt hơn, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Huyết áp ổn định ở mức 120/80 mmHg, mạch 80 CK/p. Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân đang dần hồi phục và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
👉 Lời khuyên dành cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và gút mạn:
- Tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế thực phẩm giàu purin.
- Duy trì vận động nhẹ nhàng, tập luyện phù hợp.
- Tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh.
Bài viết liên quan
-
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM TỤ MÁU NÃO Ở NGƯỜI CAO TUỔI?
Tụ máu não là một dạng tổn thương nghiêm trọng ở não, xảy ra khi các mạch máu lớn bị vỡ, hình thành các khối máu tụ. Dạng tổn thương… -
9 CÁCH THÔNG TẮC TIA SỮA HIỆU QUẢ
Tắc tia sữa là tình trạng mà ống dẫn sữa bị hẹp hoặc bít tắc, khiến sữa không thể chảy ra dễ dàng. Nếu không được xử lý kịp thời,… -
TẦM SOÁT UNG THƯ BAO NHIÊU LÂU MỘT LẦN ĐỂ KIỂM SOÁT BỆNH?
Ung thư được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Hiện nay, mặc dù y… -
NGƯỜI BỆNH GOUT CẦN TRÁNH NHỮNG THỰC PHẨM GÌ?
Những người mắc bệnh gout có thể kiểm soát các cơn đau và hạn chế biến chứng bằng cách duy trì một chế độ ăn uống hợp lý. Vậy thực…