HÀNH TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CỦA BỆNH NHÂN ĐA CHẤN THƯƠNG
Khoa Phục hồi chức năng vừa tiếp nhận một bệnh nhân 38 tuổi, từng trải qua ca phẫu thuật sau chấn thương nghiêm trọng do ngã xuống hầm thang máy. Hai tháng sau ca mổ, bệnh nhân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Khi nhập viện tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, bệnh nhân được chẩn đoán vỡ đốt sống D12, gãy xương cẳng chân hai bên và đã trải qua phẫu thuật kết hợp xương. Tuy nhiên, tình trạng sưng đau, hạn chế vận động khớp gối trái và cổ bàn chân hai bên vẫn còn rõ rệt. Bệnh nhân chưa thể tự đi lại, phải phụ thuộc vào xe lăn và sự hỗ trợ của người chăm sóc. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng bị ảnh hưởng đáng kể, tâm lý lo lắng kéo dài khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn hơn.
Theo BSCKI Hoàng Xuân Hào – Phó khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, bệnh nhân có dấu hiệu viêm khớp tiết dịch, cứng khớp gối trái và cổ bàn chân hai bên sau phẫu thuật. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương mắt cá trong của xương chày bị vỡ, xương mác hai bên gãy và đang trong quá trình liền. Mặc dù vết mổ ở vùng cẳng chân và cổ bàn chân đã khô, liền sẹo nhưng vẫn còn sưng nhẹ. Bệnh nhân bị đau tăng khi vận động, đặc biệt trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng, nhưng cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Trước tình trạng này, bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị phục hồi chức năng với các biện pháp vật lý trị liệu như liệu pháp nhiệt với paraffin, xoa bóp vùng tổn thương và tập vận động khớp gối trái cùng cổ bàn chân hai bên nhằm tăng biên độ vận động, Giảm tình trạng cứng khớp. Đồng thời, các phương pháp điều trị nội khoa cũng được áp dụng để giảm đau, chống viêm, bổ sung canxi và vitamin giúp hỗ trợ xương nhanh liền, đồng thời cải thiện thể trạng tổng thể của bệnh nhân.
Sau quá trình điều trị, sức khỏe bệnh nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Ăn uống và giấc ngủ được cải thiện. Tâm lý cũng dần ổn định hơn. Việc ăn uống, giấc ngủ được cải thiện, tâm lý dần ổn định hơn. Vết mổ khô ráo, không có dấu hiệu nhiễm trùng. Khả năng vận động cũng có sự tiến triển khi khớp gối trái đã có thể duỗi hoàn toàn, khả năng co duỗi của khớp tăng lên mức 0-100 độ chủ động và 0-120 độ thụ động. Tình trạng sưng đau giảm dần, bệnh nhân có thể thực hiện một số sinh hoạt cá nhân với sự hỗ trợ một phần từ người chăm sóc.
Quá trình phục hồi sau đa chấn thương là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân cũng như sự hỗ trợ chuyên môn từ đội ngũ y bác sĩ. Với sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia tại Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, bệnh nhân đang từng bước lấy lại khả năng vận động, hướng tới mục tiêu độc lập trong sinh hoạt và sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Bài viết liên quan
-
PHÒNG NGỪA TĂNG HUYẾT ÁP NHỮNG NGÀY CẬN TẾT
Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật dọn dẹp, mua sắm và hoàn thành công việc còn dang dở. Tuy nhiên, chính áp lực này có thể khiến huyết… -
KHI NÀO NÊN SIÊU ÂM TIM? LƯU Ý NHỮNG DẤU HIỆU QUAN TRỌNG!
Siêu âm tim là một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, an toàn và hoàn toàn không gây đau. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể… -
Phát hiện sớm tụ máu não ở người cao tuổi
Tụ máu não là sự tổn thương ở não, xảy ra khi xuất hiện các khối máu tụ do mạch máu lớn trong não bị vỡ, bao gồm tụ máu… -
MÁCH BẠN: 4 NGUYÊN TẮC PHÒNG VIÊM PHỔI MÙA LẠNH
Khi thời tiết chuyển lạnh, các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus và vi khuẩn, có điều kiện thuận lợi để phát triển, làm gia tăng nguy…