Viêm amidan: triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh tái phát
Viêm amidan cấp tính có thể điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc họng hoặc dùng dung dịch sát khuẩn. Với viêm amidan mạn tính, một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Khối amidan sưng to khi bị viêm – Ảnh minh họa
Các bệnh lý Tai Mũi Họng nói chung và đặc biệt là viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ, nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Ngoài ra, viêm amidan còn gây ra do ô nhiễm môi trường, do khí bụi, điều kiện sinh, sinh hoạt kém…
Dù là bệnh thường gặp, nhưng người bệnh không được chủ quan chờ bệnh tự khỏi. Tốt nhất là đi khám hoặc đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị ban đầu.
Viêm amidan là bệnh thường gặp
Viêm amidan là tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính tuyến amidan do vi khuẩn hoặc virut gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ ở lứa tuổi học đường 5 – 15 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây viêm amidan như:
– Do bị lạnh
– Các vi khuẩn và virut có sẵn ở mũi họng gây bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng
– Amidan nằm ở giao điểm của đường ăn và đường thở, là cửa ngõ cho vi khuẩn, virut xâm nhập gây bệnh.
– Sau các bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà…
– Do cấu trúc của amidan có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển.
Triệu chứng viêm amidan
Nói đến triệu chứng viêm amidan, người ta có thể phân biệt ra viêm amidan cấp và viêm amidan mạn vì đây là 2 dạng amidan khác nhau với những nguy hại và đôi khi là cách điều trị cần phải khác nhau.
1. Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp là tổn thương viêm sung huyết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái, thường do virut hoặc vi khuẩn gây nên.Nếu do virut gây bệnh thì thường là nhẹ; trái lại nếu do vi khuẩn thì bệnh nặng.
Viêm amidan cấp tính thường gặp ở trẻ 5 – 15 tuổi. Triệu chứng gồm:
– Khởi bệnh đột ngột với cảm giác rét và sốt 38 – 39oC
– Hội chứng nhiễm khuẩn, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ.
– Bệnh nhân nuốt đau, nuốt vướng
– Có cảm giác khô rát và nóng ở trong họng, ở vị trí amidan
– Đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt và khi ho
– Khó thở, thở khò khè, ngáy to
– Khi viêm nhiễm lan xuống thanh khí phế quản, gây ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực
– Môi khô, lưỡi trắng bẩn…
2. Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm đi viêm lại tuyến amidan (một năm có thể bị nhiều lần). Bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Triệu chứng viêm amidan mạn tính:
– Triệu chứng rất nghèo nàn, không rõ rệt
– Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát triệu chứng giống như viêm amidan cấp tính
– Bệnh nhân hay sốt vặt
– Thường xuyên cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết
– Hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan
– Bệnh nhân thường ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng khi mới ngủ dậy
– Giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ
– Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể thở khò khè, đêm ngủ ngáy to…
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm amidan
Phân biệt viêm amidan và ung thư vòm họng
Nếu tự quan sát, bạn sẽ thấy các dấu hiệu ung thư vòm họng và viêm amidan khá giống nhau. Viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng đều xảy ra liên quan đến khu vực vòm họng và có những biểu hiện dễ nhầm lẫn.
Do đó, có thể phân biệt viêm amidan có mủ và ung thư vòm họng thông qua những dấu hiệu sau:
Viêm amidan có mủ | Ung thư vòm họng |
Không đau đầu | Đau đầu: lúc đầu đau âm ỉ không thành cơn sau đau dữ dội |
Không có triệu chứng mắt | Triệu chứng mắt: vào giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm thị lực |
Không ngạt mũi | Ngạt mũi: ở giai đoạn ung thư tiến triển, bệnh nhân có thể bị ngạt mũi liên tục, chảy máu mũi, chảy mủ lẫn máu. |
Đôi khi đau tai (khi há miệng to),không ù tai | Ù tai: lúc đầu ù tai nhẹ một bên sau ù cả hai bên, nghe kém đi rất nhiều |
Mủ xuất hiện giữa amidan và bao quanh amidan | |
Vướng họng, đau nhói trong họng, nuốt đau, không nuốt được | |
Sốt | |
Hàm sưng | Nổi hạch góc hàm: hạch lúc đầu nhỏ, rắn có thể di động, ấn có cảm giác đau và sau lan đến nhiều vị trí khác |
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên vẫn có thể nhầm lẫn. Tốt nhất bạn nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng uy tín để làm các xét nghiệm cần thiết.
Cách điều trị viêm amidan cấp tính và mạn tính
Hiện nay, việc điều trị viêm amidan đã nhiều thay đổi so với thời gian trước. Mục tiêu chính là hạn chế phẫu thuật cắt amidan. Vì người ta đã biết rằng amidan đảm nhận chức năng miễn dịch quan trọng trong cơ thể.
1. Điều trị viêm amidan bằng thuốc
Việc dùng thuốc có thể kéo dài từ 7 – 14 ngày (tùy từng trường hợp). Cụ thể như sau:
- Viêm amidan do nhiễm liên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa)
- Đôi khi, đặc biệt ở trẻ nhỏ khó nuốt, penicillin được dùng đường tiêm
- Kháng sinh điển hình cần dùng ít nhất 10 ngày
- Mặc dù người bệnh thấy khá hơn trong 1 – 2 ngày, vẫn cần phải dùng kháng sinh đầy đủ đến hết đợt. Dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, có thể bị viêm lại, có khả năng gây biến chứng nặng.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc họng, hoặc dùng các dung dịch sát khuẩn. Bệnh nhân cần được nằm nghỉ, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống nước đầy đủ.
2. Phẫu thuật cắt amidan
Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng điều trị hoặc chỉ định phẫu thuật cắt amidan nếu cần thiết. Không nên lạm dụng phẫu thuật cắt amidan, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên cắt amidan trong những trường hợp sau:
- Amidan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn
- Nghi ngờ tiến triển thành áp xe, ung thư amidan
- Viêm amidan tái phát hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm
- Viêm amidan mạn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ, hơi thở hôi
- Mưng mủ quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
- Viêm amidan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.
Bài viết liên quan
-
THAI BINH MEDICAL COLLEGE’S DELEGATION VISITS AND WORKS AT HOP LUC JOINT STOCK CORPORATION
On October 16, the delegation of Thai Binh Medical College led by Dr. Nguyen Thi Thu Dung – Member of the 15th National Assembly, Member of the National Assembly’s Social… -
Delegation of Thai Binh University of Medicine and Pharmacy visited and worked at Hop Luc Joint Stock Corporation
On the morning of April 7, 2022, the delegation of Thai Binh University of Medicine and Pharmacy led by Assoc. Prof. Dr. Nguyen Duy Cuong – Principal of the school… -
Delegation of Hanoi Medical University branch visited and worked with the Corporation
On the morning of March 28, 2023, a working delegation led by Dr. Cam Ba Thuc – Deputy Director of Hanoi Medical University Branch in Thanh Hoa visited and worked… -
Hop Luc General Hospital and Nam Dinh Nursing University held a signing ceremony for cooperation in postgraduate nursing practice training.
On the morning of June 2, Hop Luc General Hospital and Nam Dinh Nursing University held a signing ceremony for cooperation in postgraduate nursing practice training. Attending the signing ceremony…