Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
1. Đại cương
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính – Các tên gọi khác: Bệnh động mạch vành ổn định hay cơn đau thắt ngực ổn định. Đây là bệnh lý thường gặp nhất ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước phát triển. Nếu không được khám và điều trị, theo dõi của các bác sĩ khám chuyên khoa, bệnh có thể diễn biến thành hội chứng vành cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người bệnh.
Đau thắt ngực ổn định là tình trạng đau ngực khi gắng sức (leo cầu thang, mang vác nặng…) cơn đau ngắn, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitrates (thuốc giãn mạch vành).
Thuật ngữ đau thắt ngực ổn định muốn chỉ cơ đau thắt ngực xuất hiện ở người có mảng xơ vữa động mạch vành ổn định (mảng xơ vữa bất ổn định khi bị nứt vỡ, hình thành cục máu đông và gây nên hội chứng vành cấp).
2. Biểu hiện lâm sàng của cơn đau thắt ngực ổn định
– Vị trí đau: một vùng sau xương ức – không phải đau một điểm, hướng lan: đau có thể lan lên cổ, vai, tay trái, có khi xuống tận các ngón tay út và áp út.
Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau: thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh (quá vui, quá tức giận…), gặp lạnh đột ngột, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá, uống nhiều rượu…
Tính chất: cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực, một số người bệnh có khó thở, vã mồ hôi, mệt lả, buồn nôn.
Thời gian cơn đau: kéo dài vài phút (3-5 phút), có thể dài hơn nhưng không quá 20 phút (nếu cơn đau kéo dài hơn cần nghĩ đến hội chứng vành cấp – cần nhập viện ngay). Những cơn xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau chỉ kéo dài dưới 1 phút thì có khả năng là bệnh động mạch vành.
Một số trường hợp đau thắt ngực ổn định không điển hình có thể biểu hiện: cảm giác tức nặng, khó chịu ở ngực, một số lại cảm giác cứng hàm khi gắng sức…
Phân mức độ đau thắt ngực ổn định (theo hội tim mạch Canada –CCS):
Độ 1: Những hoạt động thể lực bình thường không gây đau thắt ngực: Đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi hoạt động thể lực rất mạnh.
Độ 2: Hạn chế nhẹ hoạt động thể lực bình thường: Đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi leo cao > 1 tầng gác thông thường bằng cầu thang hoặc đi bộ dài hơn 2 dãy nhà.
Độ 3: Hạn chế đáng kể hoạt động thể lực thông thường: Đau thắt ngực khi đi bộ 1 – 2 dãy nhà hoặc leo cao 1 tầng gác.
Độ 4: Các hoạt động thể lực bình thường đều gây đau thắt ngực: Đau thắt ngực khi làm việc nhẹ, khi gắng sức nhẹ.
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim thiếu máu cục bộ – Cơn đau thắt ngực gồm: Yếu tố thay đổi được và yếu tố không thay đổi được.
* Nhóm các yếu tố thay đổi được
-Hút thuốc lá, thuốc lào: Hút thuốc lá (hút thuốc lào) là một yếu tố nguy cơ đã rõ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi cho dù những người hút thuốc thường gầy và có huyết áp thấp hơn những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ung thư phổi và các bệnh lý khác. Hãy không hút thuốc lá (thuốc lào) nếu bạn chưa hút. Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ ngay vì việc bỏ thuốc lá là một biện pháp được chứng minh rất hiệu quả để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Bạn cũng cần chú ý hút thuốc lá bị động (khi bạn phải hít phải khói thuốc lá do người khác hút) cũng có nguy cơ không kém.
– Rối loạn chuyển hoá lipid máu
– Lối sống tĩnh tại ít vận động
– Tăng huyết áp: không điều trị hoặc điều trị nhưng kiểm soát không tốt
– Chế độ ăn nhiều mỡ, cholesterol
– Đái tháo đường: không điều trị hoặc điều trị nhưng kiểm soát không tốt
– Thừa cân, béo phì
– Sử dụng cocaine hoặc các thuốc tương tự
*Các yếu tố không thay đổi được
– Tuổi: Nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời bạn cao hơn. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi tác là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất. Hơn nửa số người đột quỵ tim mạch và tới 80% số người bị chết vì đột quỵ có tuổi cao hơn 65.
– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác cao hơn so với nữ giới ở tuổi trẻ. Tuy nhiên, nữ giới tuổi cao, sau mạn kinh cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch không khác nhiều so với nam giới.
– Gia đình: Những bằng chứng nghiên cứu cho thấy, nhưng người có yếu tố di truyền (gia đình) bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cơ hơn những người khác.
– Chủng tộc: Ví dụ người Mỹ gốc Phi thường bị mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp cao hơn so với người Mỹ da trắng).
4. Chẩn đoán
Được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch thông qua khai thắc kỹ tiền sử bệnh tật, triệu chứng cơ năng, khám lâm sàng, đo huyết áp, đánh giá mức độ Cholesterol, đường máu và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về tim mạch như: điện tâm đồ lúc nghỉ, nghiệm pháp gắng sức, chụp MSCT động mạch vành, chụp động mạch vành qua da, siêu âm trong lòng mạch vành.
5. Điều trị
Mục tiêu: giảm tình trạng thiếu máu cơ tim và triệu chứng, nâng cao chất lượng sống
– Ngăn ngừa tử vong và hội chứng vành cấp, cải thiện tiên lượng bệnh
– Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
– Thay đổi lối sống
– Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu
– Tập thể dục hằng ngày (ít nhất 4 ngày/tuần), mỗi ngày từ 30 – 60 phút, mức độ tập tuỳ theo khả nặng gắng sức của mỗi cơ thể người bệnh.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: tránh các chất béo no, nhiều Cholesterol (mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng, sữa, bơ, sữa béo) hạn chế ăn mặn… Khuyến khích chế độ ăn nhiều cá, rau quả.
– Khám phát hiện và điều trị tốt các bệnh, rối loạn khác: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid máu.
– Nếu thừa cân, béo phì cần lời khuyên của các bác sĩ để có kế hoạch giảm cân.
– Uống thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch
– Tránh các bữa ăn quá no
– Nghỉ ngơi thích hợp, tránh stress, giữ thăng bằng và điều độ trong cuộc sống
Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nitroglycerin, chẹn thụ thể beta giao cảm, chẹn kênh calci, Aspirin, Statin, ức chế men chuyển: theo đơn thuốc của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Khi đã điều trị tối ưu mà bệnh nhân vẫn còn triệu chứng đau ngực bệnh nhân cần được khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên ngành tim mạch, xét chụp động mạch vành đánh giá mức độ hẹp tắc để tiến hành can thiệp động mạch vành giúp thông thoáng hệ thống mạch cấp máu cho tim hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực với phòng khám chuyên khoa tim mạch, do các bác sĩ chuyên khoa tim mạch – Trưởng khoa tim mạch, Phó trưởng khoa tim mạch trực tiếp khám, tư vấn và điều trị) và hệ thống máy hiện đại phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch: điện tim đồ – ĐTĐ gắng sức, siêu âm tim, máy chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, máy chụp và can thiệp động mạch vành qua da hiện đại nhất thế giới.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ
Số điện thoại: 0913.020.888 Ths.Bs Nguyễn Văn Hải – Trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Số điện thoại: 0904.844.729 BSCKI. Nguyễn Văn Công – Phó trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Tổng đài CSKH: 1900.9012
Website: hopluchospital.com
Địa chỉ: 595 Nguyễn Chí Thanh, Phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hoá
(Nguồn: Ths.BS Nguyễn Văn Hải – Trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực)
Dưới đây là một số hình ảnh về hệ thống máy y khoa hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Bài viết liên quan
-
Hướng dẫn khai báo y tế trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Nhằm giúp cho người dân có thể khai báo y tế dễ dàng bằng mã QR Code trong quá trình ĐI và ĐẾN tại các điểm yêu cầu khai báo,… -
Biểu hiện nguy hiểm của nhồi máu cơ tim – Không thể bỏ qua
Dựa vào thống kê, ta thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim đang ngày càng tăng lên. Đây không chỉ là một vấn đề tim mạch phổ… -
Tập huấn chuyên đề “Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên
Chiều ngày 04/10/2022, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn tổ chức buổi tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán và xử… -
Những bệnh khi mắc bệnh Covid-19 sẽ nặng hơn
Bệnh COVID-19 thường nặng hơn ở những người mắc các bệnh nền như: Cao huyết áp Đái tháo đường Bệnh tim mạch Đau tim hoặc đột quỵ Các bệnh hô…