CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung là gì? 

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới, chiếm khoảng 12% tổng số ca ung thư ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau ung thư vú. Độ tuổi trung bình của phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung là từ 48 đến 52 tuổi. Theo Ghi nhận ung thư năm 2018, Việt Nam ghi nhận gần 4.200 ca mắc mới và hơn 2.400 ca tử vong do căn bệnh này. Phần lớn bệnh nhân chỉ đi khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung 

Theo thống kê của WHO, khoảng 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Vì vậy, virus HPV được xem là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh lý này ở nữ giới.

Virus HPV có hơn 140 tuýp, trong đó khoảng 15 tuýp được xếp vào nhóm nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, phổ biến nhất là các tuýp 16 và 18 (nguyên nhân của hơn 70% trường hợp mắc bệnh), tiếp đến là các tuýp 31 và 45.

Theo bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, virus HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, nhưng một số ít trường hợp vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm khi chỉ tiếp xúc ngoài da mà không quan hệ tình dục. Quá trình tiến triển đến ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng và diễn ra chậm, kéo dài khoảng 10 – 15 năm. Tuy nhiên, một số quốc gia đã ghi nhận xu hướng trẻ hóa của căn bệnh này, đặc biệt ở những quốc gia có đời sống quan hệ tình dục sớm.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới bao gồm có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mang thai quá sớm hoặc nhiều lần, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hệ miễn dịch suy yếu và hút thuốc lá.

Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung 

Bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực cho biết, các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng và tiến triển thầm lặng, khiến người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, tế bào ung thư có thể đã di căn và lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy hiệu quả, nhưng thường phức tạp và tốn kém. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ.

Một số dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung bao gồm: đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục; chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa; dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.

Các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Giai đoạn 0: Chưa có tế bào ung thư ở cổ tử cung, nhưng xuất hiện các tế bào bất thường có thể phát triển thành tế bào ung thư trong tương lai, còn gọi là tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tại chỗ.
  • Giai đoạn một: Ung thư chỉ mới xảy ra bên trong cổ tử cung.
  • Giai đoạn hai: Ung thư bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung, xâm lấn vào các mô xung quanh nhưng chưa đến các mô lót trong khung chậu hoặc phần dưới của âm đạo.
  • Giai đoạn ba: Các tế bào ung thư đã xâm lấn vào phần dưới của âm đạo và các mô lót trong khung chậu.
  • Giai đoạn bốn: Ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như ruột, bàng quang, phổi.

Ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như vô sinh, ảnh hưởng tâm lý, suy thận, và đe dọa tính mạng. Theo các bác sĩ, nếu được phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn tiền ung thư, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến hơn 90%. Ở giai đoạn một, tỷ lệ điều trị thành công vào khoảng 85-90%, giảm dần ở các giai đoạn sau: giai đoạn hai là 50-75%, giai đoạn ba là 25-40%, và giai đoạn bốn chỉ còn 15%.

Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung

Thông qua khám lâm sàng và hỏi bệnh sử, nếu nghi ngờ người bệnh có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết như soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung và các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bổ sung.

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung thường là đa mô thức, tức là kết hợp nhiều phác đồ điều trị khác nhau, không chỉ đơn thuần là phẫu thuật. Tùy theo từng giai đoạn bệnh, có thể áp dụng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hoặc kết hợp các phương pháp này.

Cách phòng tránh ung thư cổ tử cung 

Tiêm vaccine phòng virus HPV được coi là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản và hiệu quả. Vaccine này còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn. Phụ nữ nên xây dựng lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV.

Với sự tiến bộ của công nghệ, việc tầm soát ung thư cổ tử cung đã trở nên dễ dàng hơn thông qua các phương pháp như xét nghiệm tế bào Pap smear, xét nghiệm Thinprep, và xét nghiệm virus HPV. Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu di chứng về sức khỏe và tinh thần.

➥ Thông tin chi tiết xin vui lòng #comment #inbox hoặc liên hệ 1900.9012 để được tư vấn.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay