CẢNH BÁO NGUY CƠ NHIỄM ĐỘC KHÍ CO 

Mới đây, Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tiếp nhận hai vợ chồng nhập viện trong tình trạng nhiễm độc khí do một vụ hỏa hoạn không rõ nguyên nhân. Khi được đưa đến bệnh viện, cả hai đều có biểu hiện khó thở, cảm giác bị chèn ép ở cổ, ho ra nhiều đờm lẫn bụi than đen, quần áo và cơ thể còn bám đầy muội than. Trước tình trạng nguy kịch ngày càng gia tăng, người thân đã lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực để cấp cứu. Nhờ được phát hiện và xử trí kịp thời, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm ổn định hô hấp và giải độc cho bệnh nhân.

Nhiễm độc khí, đặc biệt là khí CO (carbon monoxide), thường xảy ra trong các sự cố cháy nổ hoặc tại môi trường kín khi đốt than, củi, bếp gas… Đây là loại khí không màu, không mùi, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Khi bị nhiễm độc khí CO, nạn nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tức ngực, cảm giác bóp nghẹt ở cổ, ho ra đờm đen, mệt mỏi, lú lẫn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, tổn thương não và thậm chí tử vong. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và xử trí đúng cách để hạn chế biến chứng nghiêm trọng.

BSCKI Bùi Tiến Lực – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chia sẻ: “Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân và chẩn đoán ngộ độc khí CO, chúng tôi đã nhanh chóng khai thông đường thở, rửa khoang mũi, miệng để loại bỏ bụi than và các chất độc còn sót lại. Đồng thời, bệnh nhân được thở oxy 100% để cải thiện tình trạng thiếu oxy trong máu. Chúng tôi cũng tiến hành thay toàn bộ quần áo dính muội than nhằm giảm thiểu nguy cơ hấp thụ thêm chất độc qua da. Để xử trí triệt để hơn, bệnh nhân được nội soi phế quản kết hợp rửa phế quản giúp làm sạch đường hô hấp, đồng thời sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Việc xử trí kịp thời và toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng và hạn chế các biến chứng nguy hiểm do ngộ độc khí gây ra.”

Sau thời gian điều trị, chị Trần Thu Phương (27 tuổi, trú tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) đã gửi thư cảm ơn đến tập thể y bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Trong thư, chị xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi không may bị ngạt khí CO và được đưa vào cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, tinh thần hoảng loạn. Nhờ phác đồ điều trị hiệu quả, sự chăm sóc tận tình cùng tay nghề chuyên môn cao của các y bác sĩ, gia đình tôi đã hồi phục nhanh chóng. Bằng tất cả tấm lòng, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, đặc biệt là tập thể Khoa Hồi sức Cấp cứu vì đã tận tâm và đồng hành cùng gia đình tôi trong suốt quá trình điều trị.”

Khuyến cáo: Khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc khí CO (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, lú lẫn), cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí, nới lỏng quần áo, giữ đường thở thông thoáng và gọi cấp cứu ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý áp dụng các biện pháp dân gian, tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Việc xử trí kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ suy hô hấp, tổn thương não và các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay