HÀNH TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CỦA BỆNH NHÂN ĐA CHẤN THƯƠNG
Khoa Phục hồi chức năng vừa tiếp nhận một bệnh nhân 38 tuổi, từng trải qua ca phẫu thuật sau chấn thương nghiêm trọng do ngã xuống hầm thang máy. Hai tháng sau ca mổ, bệnh nhân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Khi nhập viện tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, bệnh nhân được chẩn đoán vỡ đốt sống D12, gãy xương cẳng chân hai bên và đã trải qua phẫu thuật kết hợp xương. Tuy nhiên, tình trạng sưng đau, hạn chế vận động khớp gối trái và cổ bàn chân hai bên vẫn còn rõ rệt. Bệnh nhân chưa thể tự đi lại, phải phụ thuộc vào xe lăn và sự hỗ trợ của người chăm sóc. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng bị ảnh hưởng đáng kể, tâm lý lo lắng kéo dài khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn hơn.
Theo BSCKI Hoàng Xuân Hào – Phó khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, bệnh nhân có dấu hiệu viêm khớp tiết dịch, cứng khớp gối trái và cổ bàn chân hai bên sau phẫu thuật. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương mắt cá trong của xương chày bị vỡ, xương mác hai bên gãy và đang trong quá trình liền. Mặc dù vết mổ ở vùng cẳng chân và cổ bàn chân đã khô, liền sẹo nhưng vẫn còn sưng nhẹ. Bệnh nhân bị đau tăng khi vận động, đặc biệt trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng, nhưng cơn đau có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
Trước tình trạng này, bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị phục hồi chức năng với các biện pháp vật lý trị liệu như liệu pháp nhiệt với paraffin, xoa bóp vùng tổn thương và tập vận động khớp gối trái cùng cổ bàn chân hai bên nhằm tăng biên độ vận động, Giảm tình trạng cứng khớp. Đồng thời, các phương pháp điều trị nội khoa cũng được áp dụng để giảm đau, chống viêm, bổ sung canxi và vitamin giúp hỗ trợ xương nhanh liền, đồng thời cải thiện thể trạng tổng thể của bệnh nhân.
Sau quá trình điều trị, sức khỏe bệnh nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Ăn uống và giấc ngủ được cải thiện. Tâm lý cũng dần ổn định hơn. Việc ăn uống, giấc ngủ được cải thiện, tâm lý dần ổn định hơn. Vết mổ khô ráo, không có dấu hiệu nhiễm trùng. Khả năng vận động cũng có sự tiến triển khi khớp gối trái đã có thể duỗi hoàn toàn, khả năng co duỗi của khớp tăng lên mức 0-100 độ chủ động và 0-120 độ thụ động. Tình trạng sưng đau giảm dần, bệnh nhân có thể thực hiện một số sinh hoạt cá nhân với sự hỗ trợ một phần từ người chăm sóc.
Quá trình phục hồi sau đa chấn thương là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân cũng như sự hỗ trợ chuyên môn từ đội ngũ y bác sĩ. Với sự hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia tại Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, bệnh nhân đang từng bước lấy lại khả năng vận động, hướng tới mục tiêu độc lập trong sinh hoạt và sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Bài viết liên quan
-
ĐOÀN CÔNG TÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THÁI BÌNH THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP LỰC
Ngày 16/10 Đoàn công tác trường Cao đẳng Y tế Thái Bình do TS. Nguyễn Thị Thu Dung – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Xã… -
BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Cơ tim phì đại là một dạng rối loạn cơ tim, làm suy giảm khả năng co bóp và lưu thông máu, từ đó dẫn đến rối loạn nhịp tim.… -
NẾP GẤP DA GÁY VÀ NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT
Nếp gấp da gáy (Nuchal Translucency – NT) là thuật ngữ y khoa chỉ độ dày của lớp dịch dưới da vùng gáy của thai nhi, được đo bằng siêu… -
CHI BỘ 3 ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP LỰC TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN CHO 07 QUẦN CHÚNG ƯU TÚ
Chiều ngày 29/03/2025, chi bộ 3 – Đảng bộ Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới cho 7 quần chúng ưu tú.…