KHỐI U KHÔNG PHẢI LÀ DẤU HIỆU DUY NHẤT CỦA UNG THƯ VÚ
Theo báo cáo của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận 5 loại ung thư phổ biến nhất, bao gồm: ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%), kế đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).
Ung thư vú không chỉ là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất mà còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc bệnh tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và có xu hướng trẻ hóa.
Bệnh khởi phát khi các tế bào ác tính xuất hiện trong mô tuyến vú. Theo thời gian, các tế bào này phát triển mất kiểm soát, lan rộng khắp vú, xâm lấn hạch bạch huyết, di căn đến xương và các cơ quan khác như gan, não, phổi, đẩy bệnh vào giai đoạn cuối.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú
Dấu hiệu điển hình nhất của ung thư vú là khối u tại vú, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện này. Việc nhận biết sớm những triệu chứng khác có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị hiệu quả. Dưới đây là những dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý
Thay đổi hình dáng hoặc cảm giác của vú
- Biến đổi bất thường về kích thước, hình dạng, chẳng hạn như vú to lên bất thường hoặc mất cân xứng giữa hai bên.
- Cảm giác căng cứng, đau nhức ở một vùng nhất định mà không rõ nguyên nhân.
- Da vùng vú đổi màu đỏ hoặc sẫm, sưng phù kèm theo hiện tượng sần sùi như vỏ cam.
- Xuất hiện nhiều nếp nhăn, vùng da bị lõm hoặc có vết hõm giống lúm đồng tiền.
- Ngứa dai dẳng, có mụn nước xung quanh vùng vú.
- Sưng toàn bộ hoặc một phần vú.
Biến đổi ở núm vú
Ở một số phụ nữ, tụt núm vú có thể là hiện tượng bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú đột nhiên thụt hẳn vào trong, trở nên cứng và không kéo ra được, kèm theo đau rát, ngứa, đổi màu đỏ, xuất hiện vảy bong tróc, đây có thể là dấu hiệu đáng báo động.
Tiết dịch bất thường
Hiện tượng tiết dịch núm vú có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng hoặc rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, nếu có các biểu hiện sau, bạn cần đặc biệt cảnh giác:
- Dịch tiết ra mà không có tác động bóp núm vú.
- Xuất hiện chỉ ở một bên vú.
- Chất lỏng có màu trong suốt hoặc lẫn máu thay vì trắng đục.
- Tiết dịch một cách đột ngột, không rõ nguyên nhân.
Sưng hạch bạch huyết
Sưng hạch bạch huyết không chỉ là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng thông thường mà còn có thể là dấu hiệu ung thư vú đã lan đến hệ bạch huyết. Nếu xuất hiện khối u hoặc vết sưng kéo dài nhiều ngày ở vùng nách hoặc xung quanh xương đòn mà không rõ lý do, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Cơ hội điều trị theo từng giai đoạn
- Giai đoạn 0, 1: Tỷ lệ chữa khỏi lên đến 80-90% nếu phát hiện sớm.
- Giai đoạn 2: Tỷ lệ sống sót khoảng 60%, vẫn có thể bảo tồn vú.
- Giai đoạn 3: Khả năng chữa khỏi giảm đáng kể.
- Giai đoạn 4: Việc điều trị chỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống và giảm đau đớn.
Chính vì vậy, khám sàng lọc ung thư vú định kỳ là việc làm cần thiết để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp cải thiện cơ hội điều trị thành công.
Các phương pháp chẩn đoán hiện đại
Chụp X-quang vú (Nhũ ảnh)
Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường như vôi hóa li ti hoặc khối u. Nếu hình ảnh thu được chưa đủ để kết luận, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi thêm hoặc tiến hành sinh thiết.
Siêu âm vú
Đây là kỹ thuật quan trọng giúp đánh giá chi tiết hơn về đặc điểm của khối u. Phương pháp này an toàn, không gây đau, đặc biệt hữu ích với phụ nữ có mô vú dày.
Chụp MRI vú
MRI giúp phát hiện các bất thường trong mô mềm, thường được chỉ định khi nhũ ảnh cho thấy dấu hiệu nghi ngờ nhưng chưa thể kết luận rõ ràng.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT
Hai phương pháp này được sử dụng khi cần đánh giá khả năng di căn của ung thư vú đến các cơ quan khác.
Sinh thiết mô
Đây là bước quan trọng nhất giúp xác định chính xác ung thư vú. Dựa vào kích thước, vị trí khối u và mức độ nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp.
Theo dõi và kiểm tra sau điều trị
Bệnh nhân ung thư vú cần được theo dõi suốt đời để phát hiện sớm nguy cơ tái phát. Các biện pháp theo dõi bao gồm:
- Chụp nhũ ảnh định kỳ mỗi 6-12 tháng đối với cả vú đã điều trị và vú còn lại.
- Khám chuyên khoa ung bướu ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.
Tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, bệnh nhân được thăm khám và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát, phát hiện sớm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Với phương pháp điều trị cá thể hóa, bệnh viện cam kết mang đến hiệu quả tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể.
Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tầm soát ung thư vú định kỳ!
Bài viết liên quan
-
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã tổ chức lễ ký kết hợp tác đào tạo thực hành điều dưỡng sau đại học
Sáng ngày 02/06, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã tổ chức lễ ký kết hợp tác đào tạo thực hành điều… -
CHĂM LO ĐƯỜNG HUYẾT “HẬU TẾT” ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Hệ lụy từ chế độ ăn uống thiếu kiểm soát, sinh hoạt đảo lộn, ăn nhiều nhưng ít vận động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã khiến… -
VIÊM KHỚP DẠNG THẤP ĐỢT HOẠT ĐỘNG – BỆNH LÝ NGUY HIỂM CẦN KIỂM SOÁT SỚM
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, gây viêm mạn tính tại các khớp và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nếu… -
ĐAU BỤNG DƯỚI KHI MANG THAI – DẤU HIỆU BÌNH THƯỜNG HAY NGUY HIỂM?
Trong suốt thai kỳ, nhiều mẹ bầu có thể gặp tình trạng đau bụng dưới, khiến không ít người hoang mang, lo lắng liệu đây có phải dấu hiệu nguy…