NGUY CƠ ÁP XE THẬN TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Áp xe thận là một biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy thận, nhiễm trùng huyết hoặc vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Đặc biệt, ở bệnh nhân đái tháo đường, nguy cơ nhiễm trùng lan rộng càng cao do hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tổn thương thận không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vừa qua, khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã tiếp nhận bệnh nhân T.H.T (43 tuổi, trú tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, khát nước, sốt rét run, thân nhiệt 39°C, đau nhiều vùng hố thắt lưng phải (Thang đánh giá mức độ đau VAS 7/10), tiểu buốt, môi khô, lưỡi bẩn. Trước tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định chụp cắt lớp vi tính và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Kết quả cho thấy bệnh nhân có ổ áp xe lớn tại cực giữa – dưới thận phải, giai đoạn đang hóa mủ. Hình ảnh chụp cho thấy có khí tại vị trí dò thông với tổ chức viêm quanh thận và rãnh thành đại tràng bên phải. Chỉ số glucose máu đo được là 25.68 mmol/L, HbA1c 11.89%, xác định bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 chưa được kiểm soát tốt kèm theo biến chứng nhiễm trùng thận nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe thận phải trên nền bệnh lý đái tháo đường.
Trước diễn biến nguy kịch, các bác sĩ Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã khẩn trương hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị chuyên sâu. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ từ bệnh phẩm áp xe, đồng thời kiểm soát đường huyết chặt chẽ bằng insulin tiêm 4 lần/ngày, kết hợp cân bằng dịch và điện giải để ổn định thể trạng. Song song đó, bệnh nhân được chỉ định chọc dẫn lưu và bơm rửa ổ áp xe nhằm loại bỏ dịch mủ, ngăn chặn viêm nhiễm lan rộng.
Sau quá trình điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Cơn sốt đã thuyên giảm, cơ thể bớt mệt mỏi, không còn cảm giác khát nước, tiểu tiện bình thường và không còn cảm giác đau buốt. Cơn đau tại vùng hố thắt lưng phải cũng giảm đáng kể (VAS 2/10), huyết áp duy trì ổn định. Đây là kết quả đáng khích lệ, minh chứng cho hiệu quả của phác đồ điều trị phù hợp cùng với sự theo dõi sát sao và chăm sóc tận tình từ đội ngũ y bác sĩ.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, áp xe thận là biến chứng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu kiểm soát tốt đường huyết và tuân thủ các biện pháp chăm sóc sức khỏe hợp lý. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần:
– Kiểm tra đường huyết thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
– Uống đủ nước, giữ vệ sinh đường tiết niệu để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
– Khi có dấu hiệu bất thường như sốt, đau vùng thắt lưng, tiểu buốt, mệt mỏi kéo dài, cần đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Bài viết liên quan
-
NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM PHỔI KẼ
Bệnh phổi mô kẽ là tình trạng viêm và xơ hóa xảy ra tại khoảng không giữa các phế nang (túi khí trong phổi) và các mô liên kết bao… -
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư gan
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác, đặc biệt đây là căn bệnh đang… -
BỆNH CƠ TIM PHÌ ĐẠI NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Cơ tim phì đại là một dạng rối loạn cơ tim, làm suy giảm khả năng co bóp và lưu thông máu, từ đó dẫn đến rối loạn nhịp tim.… -
LÀM SAO ĐỂ BIẾT BỊ THIẾU MÁU CƠ TIM?
Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Bệnh có thể tiến…