NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI CHĂM SÓC TRẺ SINH NON TẠI NHÀ
Thông thường, trẻ sinh non sẽ được chăm sóc trong lồng ấp tại Khoa Chăm sóc Đặc biệt dành cho Trẻ Sơ sinh (NICU). Khi sức khỏe của bé đã ổn định và đáp ứng các tiêu chí xuất viện, bé sẽ được trở về nhà. Lúc này, ba mẹ cần trang bị những kiến thức chăm sóc đúng cách để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh và an toàn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:
🌱 Ưu tiên sữa mẹ cho trẻ
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt để bắt kịp sự phát triển của trẻ sinh đủ tháng. Bên cạnh dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, trẻ nên được bú mẹ sớm để tăng cường miễn dịch và hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc mút, nuốt và thở khi bú, do đó có thể cần được hỗ trợ bằng ống thông mũi (NG tube). Ngoài sữa mẹ, mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng bằng chế phẩm tăng cường sữa mẹ, vitamin bổ sung hoặc sữa công thức năng lượng cao dành riêng cho trẻ sinh non.
🌱 Giúp trẻ ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sinh non. Bé cần ngủ từ 16 – 20 giờ mỗi ngày để đảm bảo tăng trưởng tốt. Nếu trẻ ngủ quá 4 giờ/giấc, ba mẹ nên đánh thức bé để cho bú.
Ba mẹ nên cho bé nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Ngoài ra, bé nên được ngủ riêng trong nôi, tránh ngủ chung với ba mẹ để đảm bảo an toàn.
🌱 Theo dõi nhịp thở và thân nhiệt của trẻ
Trẻ sinh non có hệ miễn dịch và cơ thể còn yếu, dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài. Vì vậy, ba mẹ cần thường xuyên theo dõi các dấu hiệu quan trọng như:
- Nhịp thở có đều không?
- Màu da có thay đổi bất thường (tái, xanh tím)?
- Tri giác có tỉnh táo hay lờ đờ?
- Thân nhiệt có quá lạnh hoặc quá nóng?
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
🌱 Giữ bé tránh xa nguy cơ nhiễm trùng
Trẻ sinh non rất nhạy cảm với vi khuẩn và virus, vì vậy ba mẹ cần:
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, đặc biệt là những khu vực có khói thuốc.
- Rửa tay sạch trước khi chạm vào trẻ, đồng thời yêu cầu người thân cũng thực hiện điều này.
🌱 Tiêm phòng đầy đủ
Do sức đề kháng yếu hơn trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Các vắc-xin quan trọng cho trẻ sinh non gồm:
🔹 Viêm gan B
🔹 Chủng ngừa lao (BCG)
🔹 Rotavirus (phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota)
🔹 Vắc-xin cúm (nên tiêm khi trẻ được 6 tháng tuổi hoặc trước mùa cúm để giảm nguy cơ mắc bệnh)
🌱 Thực hiện phương pháp da kề da (kangaroo)
Phương pháp da kề da là cách chăm sóc được khuyến khích áp dụng ngay từ khi trẻ còn ở bệnh viện. Ba mẹ có thể thực hiện bằng cách:
🔸 Cởi áo trẻ, chỉ mặc tã, đặt trẻ nằm áp sát lên ngực ba/mẹ.
🔸 Quay đầu trẻ sang một bên sao cho tai bé áp vào ngực bạn.
🔸 Duy trì tư thế này trong khoảng 1 – 2 giờ mỗi ngày.
Phương pháp kangaroo giúp giữ ấm cho trẻ, thúc đẩy sự phát triển, tăng cường mối liên kết giữa ba mẹ và bé, đồng thời hỗ trợ quá trình bú mẹ hiệu quả hơn.
👉 Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức vững vàng từ ba mẹ. Hiểu rõ các nguyên tắc trên sẽ giúp bé có một khởi đầu tốt nhất để phát triển khỏe mạnh.
Bài viết liên quan
-
LOÃNG XƯƠNG SAU SINH LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠN CHẾ?
Sau khi sinh, nhiều phụ nữ gặp tình trạng loãng xương do những thay đổi sinh lý trong quá trình mang thai và sinh nở. Vậy nguyên nhân do đâu… -
BÍ QUYẾT GIỮ ẨM CHO LÀN DA MÙA HANH KHÔ
Mùa hanh khô đang đến gần, khiến làn da dễ mất nước, trở nên khô ráp và bong tróc. Đừng lo lắng! Với những bí quyết chăm sóc dưới đây,… -
TRÀN DỊCH MÀNG TIM – NGUY CƠ TIỀM ẨN ĐE DỌA SỨC KHỎE TIM MẠCH
Tràn dịch màng tim là tình trạng dịch tích tụ bất thường trong khoang màng tim, một khoang ảo được tạo thành từ lá thành và lá tạng của ngoại… -
NHỮNG AI NÊN CHỦ ĐỘNG TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ?
Nguy cơ đột quỵ: Mối nguy hiểm tiềm ẩn. Đột quỵ là một tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn, dẫn…