Viêm thận bể thận cấp có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm
Người bệnh viêm thận bể thận cấp, nếu nhiễm trùng mới khu trú tại thận, vi khuẩn nuôi cấy nhạy cảm đáp ứng tốt kháng sinh có tiên lượng thường tốt, thời gian điều trị kháng sinh 2-3 tuần. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng lan tỏa toàn thân với biến chứng sốc, suy thận, nhiễm vi khuẩn đa kháng kháng sinh thì tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây viêm thận bể thận cấp là do vi khuẩn, chủ yếu là các vi khuẩn gram âm như E.coli, Klebsiella, Proteus mirabilis, Enterobacter.., các vi khuẩn Gram dương ít gặp hơn như: Tụ cầu, liên cầu, Enterococcus.
Vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu trên từ 2 con đường chính sau: đi ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản, đài bể thận hoặc theo đường máu tới trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết.
Dấu hiệu viêm thận bể thận cấp
Biểu hiện toàn thân: sốt cao đột ngột, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mệt lả, li bì, chán ăn, chướng bụng, buồn nôn. Tình trạng rất nặng nếu người bệnh xuất hiện hôn mê, tụt huyết áp, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, tiểu ít, phù toàn thân.
Biểu hiện tại đường tiết niệu: đau âm ỉ ở vùng hố sườn thắt lưng, có cơn đau dữ dội lan xuống bàng quang và bộ phận sinh dục ngoài, đái buốt, đái rắt, đái ra máu.
Biến chứng viêm thận bể thận cấp
Các biến chứng gồm:
– Áp xe thận và quanh thận
– Sốc nhiễm trùng toàn thân
– Suy thận cấp, hoại tử mô thận dẫn tới mất chức năng thận
– Suy thận mạn và viêm thận bể thận mạn kéo dài
Điều trị viêm thận bể thận cấp
Điều trị nội khoa: dùng kháng sinh sớm, kháng sinh thích hợp, thuốc giảm đau hạ sốt, cân bằng nước điện giải, dinh dưỡng, thời gian điều trị ít nhất 2-4 tuần tùy tiến triển.
Can thiệp phẫu thuật nếu có chỉ định: phẫu thuật tán sỏi, dẫn lưu mủ bể thận ra ngoài, dẫn lưu áp xe thận, cắt thận nếu thận mất chức năng hoàn toàn.
Trong trường hợp can thiệp, nếu người bệnh có tình trạng sốc nhiễm trùng toàn thân nặng: đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, lọc máu cấp cứu, sonde dẫn lưu nước tiểu.
Phòng ngừa viêm thận bể thận cấp
Viêm thận bể thận là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Có thể phòng ngừa viêm thận bể thận cấp bằng cách:
– Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục – tiết niệu, đặc biệt là phụ nữ cần vệ sinh kỹ trong thời kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục…
– Người nhiễm khuẩn tiết niệu do tắc nghẽn đường tiết niệu cần điều trị sớm nhằm phòng ngừa biến chứng viêm thận bể thận.
– Uống đủ nước với lượng nước mỗi ngày khoảng 2 – 2,5 lít. Đồng thời cần đảm bảo lượng nước tiểu từ 1,5 – 2 lít/ngày, tránh nhịn tiểu. Người bị tiểu ra sỏi cần uống nước nhiều, hạn chế những thức ăn chứa nhiều canxi.
– Cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để sớm phát hiện các nhiễm trùng tiềm ẩn để được điều trị kịp thời và dứt điểm.
Bài viết liên quan
-
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM TỤ MÁU NÃO Ở NGƯỜI CAO TUỔI?
Tụ máu não là một dạng tổn thương nghiêm trọng ở não, xảy ra khi các mạch máu lớn bị vỡ, hình thành các khối máu tụ. Dạng tổn thương… -
THỜI TIẾT LẠNH, NGƯỜI BỆNH VIÊM KHỚP DẠNG THẤP CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT CƠN ĐAU
Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) là một bệnh lý viêm khớp tự miễn kéo dài, khởi phát từ tổn thương tại màng hoạt dịch của khớp. Căn… -
BAN GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỢP LỰC ĐẾN THĂM HỎI, TẶNG QUÀ VÀ CHÚC TẾT BỆNH NHÂN NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025.
Chiều ngày 28/01/2025 (29 Tết), Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà năm mới cho các bệnh nhân đang… -
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỢP LỰC NHẬN BẰNG KHEN CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH VÌ ĐÃ CÓ THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, XUẤT SẮC TRONG NGÀNH Y TẾ
Chiều ngày 21/02/2025, Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức chương trình tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2025) và 80…