Bị cúm có nên tắm không?

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 – 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Nhiều người khi bị cúm thường thắc mắc liệu có phải kiêng tắm không? Bị cúm nên ăn gì cho nhanh khỏi?

Bệnh cúm là một trong những bệnh đường hô hấp cấp tính. Bệnh có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác rất cao, thậm chí nó có thể phát triển thành đại dịch và gây tử vong do những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra bệnh cảm cúm là do virus. Có đến hơn 200 loại virus, trong đó bất cứ loại nào cũng có thể gây bệnh cúm ở người. Theo các chuyên gia, các loại virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng và mũi, khi tiếp xúc với virus trong không khí.

Virus cũng có thể lây truyền khi bắt tay với người nhiễm bệnh, dùng chung dụng cụ, đồ dùng trong gia đình, điện thoại, hoặc khi tay trực tiếp tiếp xúc với các đồ dùng có chứa virus. Khi bị virus cảm cúm tấn công, người bệnh sẽ nhận thấy những triệu chứng như: Sốt nhẹ (trẻ em có thể sốt cao), khàn giọng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt xì, đau tai, ngứa họng và ho, mệt mỏi, ăn không ngon…
Theo các chuyên gia, cứ vào mùa đông xuân các ca nhập viện do cúm lại tăng lên. Đặc biệt những người có sức đề kháng kém, mắc bệnh mạn tính, người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ dễ mắc hơn cả. Tuy cúm mùa thường có diễn biến nhẹ, chỉ khỏi sau 5 ngày đến 1 tuần nhưng không ít trường hợp bệnh nặng. Đó là do virus cúm làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn.

Người bệnh cúm không nên tắm quá lâu và sau khi tắm, hãy lau khô cơ thể.

Mắc cúm có nên kiêng tắm không? Bị cúm ăn gì cho nhanh khỏi?
Theo các chuyên gia, khi mắc cúm người bệnh mệt mỏi, chảy nước mũi, hắt xì, đau tai, ngứa họng và ho,.. nên việc tắm lâu, tắm nước lạnh sẽ khiến các triệu chứng nặng thêm. Do vậy, khi bị mắc cúm người bệnh chỉ nên tắm với nước ấm để vệ sinh sạch sẽ cơ thể. Ngoài ra, hơi nước ấm còn có tác dụng giúp người bệnh thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đờm trong cổ họng, loại bỏ cảm giác khó chịu ở mũi.

Ngoài ra, người bệnh cúm không nên tắm quá lâu và sau khi tắm, hãy lau khô cơ thể nhanh và nhẹ nhàng. Tránh gió lùa và đảm bảo môi trường tắm nhiệt độ ấm và dễ chịu.

Người bệnh cúm cũng không nên tắm muộn vì sức đề kháng yếu trong giai đoạn này kém dễ có thể gây hệ lụy cho sức khỏe.

Người mắc cúm nên ăn cháo, súp, thức ăn mềm dễ tiêu.

 

Để nhanh khỏi cúm các chuyên gia khuyến cáo như sau:
Cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất như rau xanh và thức ăn chứa vitamin C và kẽm. Vì vitamin C và kẽm giúp cải thiện hệ miễn dịch và đánh bại virus cảm cúm. Hạn chế thức ăn làm tăng thân nhiệt như thức ăn có nhiều protein, đồ cay, đường, và các món ăn nhiều chất béo. Cũng tránh uống rượu, bia, cà phê, và đồ uống có ga để tránh mất nước.

Người mắc cúm có thể sốt, ho, đau đầu, đau họng, mệt mỏi toàn thân,… Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, cảm thấy chán ăn. Nên người bị cúm cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu như cháo, súp… sẽ giúp dễ tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, vừa bổ sung nước, làm dịu đau họng, giảm nghẹt mũi.

Cần tăng cường uống đủ nước
Nước giúp đẩy vi khuẩn gây hại ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và làm thông thoáng đường hô hấp. Khi bị sốt, hãy uống càng nhiều nước càng tốt. Ngoài ra, khi bị cúm cần chú ý uống nhiều nước ấm, nóng sẽ giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng.

Ngoài ra cũng có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong cùng chanh với nước nóng để làm tăng hiệu quả điều trị cúm. Có thể sử dụng nước ấm hoặc nước ép hoa quả, cũng như cháo loãng.

Cần nghỉ ngơi đầy đủ
Hãy để cơ thể có thời gian hồi phục. Tránh làm việc quá sức, đảm bảo bạn ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thư giãn. Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp tăng sức đề kháng và hồi phục nhanh hơn.

Cần vệ sinh cá nhân và nơi ở thật tốt
Khi mắc cúm người bệnh cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là tai mũi họng. Cần sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để xịt mũi và làm mềm chất nhầy, giúp giảm nghẹt mũi. Tránh xì mũi mạnh và thường xuyên, vì điều này có thể gây kích ứng niêm mạc và xoang mũi.

Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa lạnh. Có thể sử dụng các thiết bị để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phòng. Cần đảm bảo rằng phòng có độ ẩm phù hợp để giảm triệu chứng ho và sốt.

Đối với bệnh nhân mắc cúm cần cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Người bệnh cảm cúm nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cúm cho người khác.

Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch