Các bước sơ cứu người bị đuối nước

Đuối nước là một tai nạn gây tình trạng ngạt thở cấp tính, dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Khi bị ngạt thở do đuối nước, nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống, ngược lại thì khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề.

Cơ chế tổn thương do đuối nước
Có 2 dạng đuối nước, đuối nước ướt và đuối nước khô. Đuối nước ướt là do hít nước vào phổi, sau khi nước vào phổi gây ngập lụt trong lòng các phế nang, phế quản làm cản trở quá trình trao đổi khí dẫn đến ngạt thở, suy hô hấp cấp. Còn đuối nước khô là do hít phải nước một cách đột ngột gây phản xạ co thắt thanh quản, ngừng thở đột ngột dẫn đến ngừng tim ngừng thở nhưng không có nước trong lòng phế quản và phế nang.

Khi bị đuối nước ướt hoặc đuối nước khô, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái ngạt thở cấp tính. Tình trạng ngạt thở cấp tính này dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào của toàn cơ thể và khoảng từ 2 đến 3 phút sau nạn nhân có thể bị tử vong. Khi bị ngạt thở do đuối nước, nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống, ngược lại thì khả năng tử vong rất cao hoặc có thể để lại di chứng tổn thương não nặng nề.

Dấu hiệu nhận biết:
Nạn nhân ở dưới nước hoặc sắp có nguy cơ bị chìm. Dấu hiệu bị sặc nước như: Ho dữ dội, sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím, khó thở hoặc ngừng thở. Bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim.

Nguyên nhân
Do úp mặt vào nước không tự thoát ra được; Bị rơi hoặc ngã xuống chỗ nước sâu, nước xoáy nguy hiểm; Không biết bơi; Bị chuột rút khi đang bơi, đang ở dưới nước; Do thiên tai, lũ lụt; Môi trường sống trong gia đình và cộng đồng không an toàn: Bể nước, giếng không nắp, ao, hồ…

Các bước sơ cứu đuối nước
Các bước trong quy trình kỹ thuật sơ cứu đuối nước trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh không thở, không mạch.
Bước 1: Gọi người đến trợ giúp để cùng cấp cứu. (Gọi ngay khi đang đánh giá nạn nhân).
Bước 2: Nhanh chóng đánh giá tình trạng để xử trí được đúng. (Xác định được nạn nhân còn thở không).
Bước 3: Khai thông đường thở nhằm loại bỏ dị vật, đờm dãi, bùn đất khiến nạn nhân tắc thở. (Ngửa cổ, nâng cằm há miệng nạn nhân để lấy được dị vật, đờm dãi.
Bước 4: Hô hấp nhân tạo 2 lần.
Bước 5: Ép tim ngoài lồng ngực 30 lần để hỗ trợ tuần hoàn. (Yêu cầu ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép).
Bước 6: Tiếp tục thực hiện kỹ thuật hồi sinh tim phổi theo chu trình đến khi nạn nhân thở được và có mạch trở lại.
Bước 7: Kiểm tra sự tỉnh táo của nạn nhân.
Bước 8: Kiểm tra các tổn thương khác để xử trí được kịp thời.
Bước 9: Ủ ấm cho nạn nhân, theo dõi tình trạng nạn nhân để chống sốc, chống hạ đường huyết.
Bước 10: Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được điều trị tốt hơn.

Phòng ngừa đuối nước
Tổ chức dạy bơi cho người dân, nhất là trẻ em tại cộng đồng; Hạn chế, kiểm soát các nguy cơ đuối nước trong gia đình và ở cộng đồng; Dự phòng, huấn luyện cấp cứu đuối nước, chủ động chuẩn bị phương tiện cứu hộ, sơ cứu đuối nước trong mùa mưa bão; Đảm bảo an toàn đi lại, sinh hoạt trong mùa mưa bão.

Lưu ý:
Không làm nghiệm pháp Heimlich và dốc ngược nạn nhân. Khi nạn nhân bị đuối nước thường bị ngạt thở, ngừng thở, ngừng tim do vậy việc đầu tiên là phải khai thông đường thở, thổi ngạt và ép tim. Dốc ngược nạn nhân sẽ làm chậm trễ việc cứu sống nạn nhân, nhất là trong trường hợp đuối nước khô, không có nước trong phổi nạn nhân cho nên dốc ngược nạn nhân sẽ không có tác dụng.
Chỉ được phép vận chuyển nạn nhân bị đuối nước đến cơ sở y tế khi nạn nhân đã tự thở và có mạch trở lại.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch