Đang phải uống thuốc mà uống rượu có ảnh hưởng gì không?

Uống thuốc là điều không tránh khỏi, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc lâu dài. Trong những ngày Tết việc uống rượu bia là rất khó từ chối, nhiều người đặt câu hỏi đang dùng thuốc mà uống nhiều rượu bia vào thì có ảnh hưởng không, nguy hiểm như thế nào?

Nhiều thành phần thực phẩm có tác động đáng kể đến sự hấp thu, chuyển hóa của các loại thuốc khác nhau, nồng độ của thuốc trong máu và do đó ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc.

Cần nhận biết được sự tương tác nguy hiểm có thể xảy ra giữa thuốc và rượu để sao cho ăn Tết được an toàn?

1. Uống thuốc với đồ ăn làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc

– Nguyên nhân làm tăng khả năng hấp thu của thuốc có thể là do tiêu thụ đồng thời chất béo với thức ăn (thịt xông khói, trứng rán, mỡ lợn, một lượng lớn bơ, sữa đầy đủ chất béo). Các loại thuốc có khả năng hấp thụ tăng do có chất béo trong chế độ ăn bao gồm: Một số thuốc chống nấm, chống ký sinh trùng, chống trầm cảm, chống đông máu, thuốc tim mạch (thuốc chẹn beta)… Nhiều loại thuốc trong số này mà người bệnh mạn tính đang dùng hàng ngày.

Do đó, cần lưu ý đến thời điểm dùng thuốc (trước ăn hay sau ăn tùy thuộc vào từng loại). Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để biết điều này.

– Chất lỏng chúng ta uống cũng ảnh hưởng tới thuốc, làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc. Flavonoid có trong nước ép trái cây (đặc biệt là bưởi) ức chế hoạt động của hệ thống enzyme ở gan và ruột non, khiến nồng độ của nhiều loại thuốc trong máu tăng lên gấp nhiều lần, gây độc tính, bao gồm: Thuốc kháng histamine (trị dị ứng), thuốc benzodiazepin (an thần gây ngủ), thuốc chẹn kênh canxi (điều trị tăng huyết áp), thuốc hạ lipid máu.

Uống thuốc tây với rượu có thể gây nguy hiểm

Khi dùng đồ uống có chứa caffeine (cà phê, đồ uống cola, nước tăng lực) cùng với các loại thuốc như theophylline hoặc axit acetylsalicyli, phản ứng hiệp đồng có thể xảy ra và nồng độ caffeine trong máu có thể tăng lên. Tannin có trong trà ức chế sự hấp thu của các chế phẩm sắt. Uống tetracycline hoặc fluoroquinolones với sữa làm giảm sự hấp thu của chúng từ ruột do sự hình thành muối canxi.

Do đó, để đảm bảo quá trình điều trị không bị xáo trộn do tương tác không mong muốn, trừ khi bác sĩ có lời khuyên khác, chỉ nên uống thuốc với nước đun sôi để nguội.

2. Nguy hiểm nào khi uống thuốc cùng với rượu?

Tác động của tương tác thuốc với rượu có thể rất đa dạng. Thuốc ức chế quá trình đốt cháy rượu, khiến chất độc acetaldehyde tích tụ trong mô. Thuốc có thể tác dụng hiệp đồng với rượu trên hệ thần kinh trung ương, làm chậm chức năng của cơ quan này. Rượu làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng (đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa) khi sử dụng đồng thời các thuốc chống viêm không steroid (thuốc giảm đau và hạ sốt).

Ngay cả loại thuốc phổ biến như paracetamol có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu uống cùng với rượu. Các thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin, metronidazole hoặc một số loại thuốc chống nấm uống cùng với rượu có thể gây đau đầu, đau dạ dày, nôn…
Kết hợp rượu với thuốc giảm cholesterol có nguy cơ gây tổn thương gan. Thuốc trị đái tháo đường kết hợp với rượu dẫn đến lượng đường trong máu giảm mạnh, huyết áp dao động và buồn nôn.

Những người bị dị ứng có thể cảm thấy chóng mặt và buồn ngủ sau khi uống rượu với thuốc. Đau dạ dày, tổn thương gan, tăng nhịp tim và loét dạ dày có thể xảy ra khi thuốc có chứa ibuprofen hoặc axit acetylsalicylic kết hợp với rượu. Một số biến chứng nghiêm trọng sau khi kết hợp thuốc với rượu không thể hồi phục trong não ở người bệnh có những thay đổi về thần kinh.

Do đó, để tự bảo vệ mình trước những tương tác có thể xảy ra giữa thuốc và thực phẩm, đặc biệt với rượu, bằng cách tuân theo một số quy tắc đơn giản:

– Luôn đọc tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc.
– Uống thuốc với nước (một ly đầy).
– Không kết hợp thuốc với đồ uống nóng vì nhiệt độ cao có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
– Nếu biết rằng bữa ăn có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một loại thuốc nhất định, tốt nhất nên uống trước khi ăn 1-2 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ.
– Không dùng các chế phẩm vitamin và khoáng chất cùng lúc với các loại thuốc khác, vì điều này có thể gây rối loạn hấp thu hoạt chất.
– Không bao giờ dùng thuốc với đồ uống có cồn…

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch