Dấu hiệu nhận biết, cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh chân tay miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus gây ra có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cao điểm của bệnh thường từ tháng 3 -5 và từ tháng 8-9 hàng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh Tay Chân Miệng
Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh 3-6 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng dễ nhân thấy gồm:

Sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc sốt cao (38-39 độ C).
Đau họng
Tổn thương, đau rát ở răng và miệng
Chảy nước bọt nhiều
Biếng ăn
Tiêu chảy vài lần trong ngày
Sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
Dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện ngay
Trường hợp bé sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như: nôn ói hay nhợn ói hoài, giật mình chới với, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi bông, tay chân lạnh,… gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.

2. Chăm sóc trẻ bị Tay Chân Miệng
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc tại nhà, sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.

– Giảm sốt: Có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và giảm đau miệng cho trẻ. Liều dùng tùy theo cân nặng và theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin
– Chế độ dinh dưỡng: Trẻ có thể biếng ăn do đau miệng nên ba mẹ không nên cho trẻ ăn đồ nóng, cay, chua. Ưu tiên các thức ăn loãng, nguội, mềm, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa,…Nếu bé từ chối ăn không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế.
– Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh TCM.
– Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
– Cho trẻ uống nước nhiều, nghỉ ngơi, đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết.
– Mặc đồ mỏng và thoáng cho trẻ.
– Sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.
– Theo dõi sát dấu hiệu nặng để đưa trẻ nhập viện ngay
– Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

3. Phòng bệnh Tay Chân Miệng
– Vệ sinh tay, răng, miệng sạch sẽ: dạy trẻ không đưa tay vào miệng, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, và che miệng khi ho/ hắt hơi,..
– Khử khuẩn khu vực trẻ sinh hoạt, đồ chơi, vật dụng bằng Cloramin B 0.05-0.1% định kỳ mỗi tuần. Trường hợp trong nhà có trẻ bị bệnh cần khử khuẩn mỗi ngày bằng Cloramin B 0.5%
– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh
– Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
– Cho trẻ bệnh nghỉ học ít nhất 10 ngày để theo dõi trẻ tại nhà và hạn chế lây bệnh cho bé khác.

4. Các sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị Tay Chân Miệng
– Bị tay chân miệng là phải kiêng tắm
>> Thực tế: Việc kiêng tắm có thể khiến trẻ bị ngứa ngáy, nhiễm trùng. Do đó, bố mẹ nên tắm cho bé như bình thường, tắm nước ấm và chỗ kín gió.

– Bị tay chân miệng là phải sốt
>> Thực tế: Có những trường hợp chỉ sốt nhẹ, hoặc không sốt nên ba mẹ không chú ý, dễ bỏ qua bệnh của con, nhiều trường hợp trẻ vào viện có biến chứng nặng mà vẫn chưa phát hiện ra trẻ có bệnh.

– Sốt cao là nguy hiểm, sốt nhẹ là an toàn
>> Thực tế: Trẻ sốt nhẹ vẫn nguy cơ biến chứng thần kinh.

– Tay chân miệng thì cả ban & mụn nước phải mọc đủ ở cả tay, chân & miệng
>> Thực tế: Có trẻ chỉ có nổi ban, có trẻ chỉ lở miệng… và có trẻ thậm chí không nổi gì cả.

– Ban, mụn nước mọc càng nhiều, bệnh càng giảm (do độc phát ra hết rồi)?
>> Thực tế: Độ nặng của bệnh không liên quan đến chuyện nổi ban hay lở miệng nhiều hay ít.

– Bệnh chỉ lây qua đường miệng (ăn uống)?
>> Thực tế: Virus gây bệnh TCM dễ dàng lây qua đường miệng và cả đường hô hấp.

– Đường hô hấp: Virus được bắn ra khi trẻ ho, hắt hơi hoặc thậm chí khi nói chuyện; hoặc tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp (chất nhầy mũi hoặc nước bọt) trên các vật dụng bị lây nhiễm bởi người bệnh.

– Đường phân-miệng: Thường do tay của trẻ bệnh bị nhiễm bẩn khi đi vệ sinh, sau đó chúng sờ chạm và làm lây nhiễm các vật dụng chung quanh. Những trẻ khỏe mạnh khác có thể sờ chạm vào các vật dụng này, rồi vô tình đưa tay vào miệng và nhiễm bệnh.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch