Đau khớp mùa lạnh dùng thuốc gì?

Thời tiết lạnh là một nguyên nhân khiến đau khớp gia tăng. Việc điều trị đúng, kịp thời sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng đau nhức, gây khó chịu cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống…

1. Vì sao trời lạnh hay đau khớp?
Đau khớp là bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Phần lớn bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau nhức, tê mỏi… thường nặng hơn khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, như: Mưa lạnh, thời tiết chuyển mùa, lạnh vào ban đêm và sáng sớm,…

Nguyên nhân đau khớp mùa lạnh có thể là do sự thay đổi của áp suất trong khí quyển khiến các cơ gân co rút, dịch khớp cũng bị đông lại, đặc biệt là ở người lớn tuổi, gây viêm, đau khớp và gặp khó khăn khi cử động. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh giá cũng khiến mạch máu co lại, các dây thần kinh bị kích thích và người bệnh cảm thấy đau khớp nhiều hơn. Các triệu chứng của đau khớp có thể thuyên giảm khi thời tiết ấm trở lại.

Ngoài ra, các yếu tố bên trong cơ thể như tuần hoàn tại chỗ nuôi dưỡng khớp kém, độ nhớt máu, dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian hóa học trong cơ thể, thay đổi vận mạch… cũng là nguyên nhân góp phần làm xuất hiện các đợt bệnh cơ xương khớp khi trời lạnh.

Khi bị đau xương khớp do trời lạnh, việc cử động càng khó khăn và hạn chế hơn. Đây cũng là lý do tác động ngược trở lại khi các khớp càng ít vận động thì triệu chứng viêm đau tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.

2. Cách điều trị đau khớp do lạnh

Với đau khớp, không có phương pháp nào điều trị dứt điểm. Người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh như đau đớn, cứng khớp, sưng nóng đỏ, giảm viêm và ổn định khả năng vận động.

Một số thuốc dùng trị đau khớp:

– Thuốc giảm đau:

+ Phổ biến là thuốc paracetamol (acetaminophen): Thuốc được dùng trong các trường hợp đau nhẹ và vừa.

Paracetamol tương đối an toàn, song một số trường hợp vẫn có thể gặp các phản ứng phụ của thuốc như dị ứng (nổi mẩn trên da), đau bụng, bong da…

+ Thuốc kháng viêm không steroid: Với bệnh ở giai đoạn khởi phát, viêm nhẹ, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Các thuốc kháng viêm không steroid giúp kiểm soát cơn đau, sưng viêm và tổn thương của khớp. Một số thuốc điển hình như: Diclofenac, meloxicam…

Tác dụng phụ của các thuốc nhóm NSAID có thể gây đau dạ dày, buồn nôn, chảy máu, loét, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Dùng qúa liều khuyến cáo có thể gây tổn thương gan. Do đó, người bệnh không dùng quá liều và thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc bác sĩ…Nếu trong quá trình dùng thuốc nếu thấy các triệu chứng bất thường này cần thông báo cho bác sĩ biết.

– Thuốc chống viêm corticoid:

Khi cơn đau nghiêm trọng hoặc viêm khớp nặng, có thể sử dụng corticoid nhằm kiểm soát triệu chứng. Methylprednisolone, prednisone, prednisolone là những thuốc dùng phổ biến. Những loại thuốc này có các dạng sử dụng như dạng viên, dạng tiêm với nhiều tên biệt dược khác nhau. Tùy vào từng trường hợp của bệnh nhân, mức độ bệnh và thời gian điều trị để bác sĩ kê đơn thuốc, liều dùng và dạng thuốc phù hợp.

Mặc dù, đây là loại thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm khớp, nhưng đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ, người bệnh không được tự ý sử dụng.

Tác dụng phụ nguy hiểm như: Tăng cân, đục thủy tinh thể, loãng xương, giảm khả năng chữa lành vết thương, tăng đường huyết, loét và chảy máu đường tiêu hóa…

– Một số thuốc khác:

Glucosamin và chondroitin thường được dùng hỗ trợ trong điều trị viêm khớp gối. Glucosamine được sử dụng trong y học để giảm đau khớp, sưng và cứng khớp do viêm khớp. Chondroitin giúp bảo tồn và kích thích tạo sụn mới, tăng khả năng linh hoạt cho khớp. Ngoài ra, thuốc cũng giúp kiểm soát phản ứng viêm của cơ thể, nhờ đó giúp giảm đau, cải thiện khả năng tự phục hồi và chức năng thể chất cho khớp.

Các sản phẩm bổ sung glucosamine thường an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ phổ biến như: Buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng, táo bón, tăng huyết áp tạm thời, tăng nhịp tim, nhịp mạch.

Đối với chondroitin mặc dù là tốt cho khớp song cũng có thể gây một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, táo bón, rụng tóc, đau dạ dày hoặc một số triệu chứng về da…

Ngoài ra, người bệnh bị đau khớp nên nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp; có chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất và kiểm soát cân nặng…

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch