Một số điểm mới cơ bản trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi năm 2023

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) số 15/2023/QH 15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, luật có hiệu lực từ 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, dưới đây là một số điểm mới cơ bản như sau:

Người bệnh không có thân nhân được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Luật cũ (khoản 10 Điều 2), gồm:
– Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tuỳ thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin liên lạc với thân nhân (quy định cũ chỉ quy định là người bệnh đang cấp cứu).
– Người bệnh tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
– Người bệnh đã xác định được danh tính nhưng tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
– Trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh (quy định cũ là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh).

Bổ sung quy định về thân nhân của người bệnh (khoản 11 Điều 2):
– Vợ hoặc chồng: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng: con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
– Người đại diện của người bệnh;
– Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề

Bổ sung thêm và sửa đổi đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh (Điều 3)
– Bổ sung thêm đối tượng: Người khuyết tật đặc biệt nặng.
– Sửa điều kiện về tuổi (từ đủ 80 tuổi xuống còn từ đủ 75 tuổi).
– Bổ sung thêm một số quyền cho người bệnh:
– Được hướng dẫn cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa tai biến.
– Được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế (quy định cũ để không bị phân biệt giàu nghèo).
– Được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư đã cung cấp trong quá trình khám, chữa bệnh (quy định cũ chỉ nói về thông tin tình trạng sức khoẻ, đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án).
– Không bị ngược đãi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục trong quá trình khám chữa bệnh.
– Được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án.
– Được kiến nghị về các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc và các vấn đề khác trong quá trình khám, chữa bệnh.
– Được bồi thường theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Luật quy định cụ thể và bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Điều 7):
– Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề, trừ các trường hợp pháp luật quy định.
– Kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
– Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.
– Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, hỏa hạn, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động của cơ quan, người có thẩm quyền (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
– Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xẩy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền

Lần đầu quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25)
– Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.
– Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp để xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá.
– Luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng hành nghề, thêm 03 đối tượng phải có giấy phép hành nghề (Điều 26)
– Dinh dưỡng lâm sàng;
– Cấp cứu viên ngoại viện;
– Tâm lý lâm sàng.
– Việc cấp giấy phép hành nghề có nhiều thay đổi:
– Cụm từ “Chứng chỉ hành nghề” thay bằng “Giấy phép hành nghề”.
– Việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn chuyển sang theo chức danh chuyên môn.
– Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
– Quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

Quy định cụ thể hơn về nguyên tắc đăng ký hành nghề (Điều 36)
Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người hành nghề được đăng ký làm việc tại một hoặc nhiều vị trí chuyên môn sau đây trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải bảo đảm chất lượng công việc tại các vị trí được phân công:
+ Khám bệnh, chữa bệnh theo giấy phép hành nghề

+ Phụ trách một bộ phận chuyên môn;

+ Chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định các trường hợp người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề trong các trường hợp sau đây:
+ Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở KB, CB trừ cấp cứu viên ngoại viện,

+ Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn câp;

+ Khám chữa bệnh nhân đạo theo đợt.

+ Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn.

+ Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bổ sung thêm các trường hợp nhân viên y tế được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh (Khoảng 3,4,5 Điều 40)
Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ (trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không làm chủ được hành vi).
Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn, kỹ thuật.
Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, điều trị của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động, thuyết phục mà việc này ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Luật đã bổ sung quy định hàng năm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá, cũng như công khai thông tin về chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn (Tuyến trung ương, Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tuyến xã, phường, thị trấn) thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh (Điều 104):
Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng;
Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề;
Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn kỹ thuật; Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cả 03 cấp chuyên môn kỹ thuật thì được xếp vào cấp chuyên sâu; Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được nhiệm vụ của cấp ban đầu và cấp cơ bản thì được xếp vào cấp cơ bản.

Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề (Điều 105)
Khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu như sau:

– Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
– Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (Điều 108).
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật.
– Được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.
– Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá;
– Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp đề đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;
– Quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của cơ sở.
– Quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do tổ chức, cá nhân cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của Luật này.

Quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Điều 109)
Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm:

– Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;
– Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế;
– Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
– Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế;
– Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
– Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110):
Luật sửa đổi chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh:

– Chỉ phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định;
– Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác;
– Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;
– Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định chuyển tiếp (Điều 121):
– Chứng chỉ hành nghề được cấp trước ngày 01/01/2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 05 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
– Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với hồ sơ đã nộp trước ngày 01/01/2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
– Chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định tại khoản 2 phải được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề và gia hạn theo quy định tại khoản 1.
– Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sỹ từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2026 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
– Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2027 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
– Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2028 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch