Thuốc điều trị bệnh gout

Bệnh gout (gút) là một bệnh khớp phổ biến gây đau dữ dội. Ngoài ra, tình trạng đau khớp trầm trọng về lâu dài có thể dẫn đến hủy hoại khớp. Vì vậy, người bệnh cần đi khám để được điều trị và hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị bệnh gout đúng cách.

Axit uric trong cơ thể là sản phẩm của quá trình chuyển hóa purin và được bài tiết qua nước tiểu. Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, tinh thể natri urat sẽ bắt đầu lắng đọng ở các khớp, sụn, gân và các mô khác dẫn đến bệnh gout.
Nồng độ axit uric trong cơ thể càng cao hoặc nồng độ axit uric cao kéo dài càng lâu thì nguy cơ bị bệnh gout tấn công càng lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân tăng axit uric máu đều sẽ phát triển bệnh gout và chỉ có khoảng 10% bệnh nhân tăng axit uric máu sẽ phát triển các cơn gout cấp tính.

Bệnh gout có nhiều khả năng xảy ra ở nam giới trưởng thành bị tăng axit uric máu và phụ nữ sau mãn kinh bị tăng axit uric máu.

Các tình trạng sau đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout:

  • Thừa cân
  • Các bệnh như: Tăng huyết áp không kiểm soát, đái tháo đường, suy tim, chức năng thận kém…
  • Uống rượu: Càng uống nhiều rượu, nguy cơ bị bệnh gout tấn công càng cao.
  • Tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm hoặc đồ uống có chứa fructose
  • Chế độ ăn giàu purin như thịt đỏ, nội tạng, hải sản…
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây…

1. Nguyên tắc điều trị bệnh gout

Việc điều trị bệnh gout được chia thành hai nguyên tắc chính: Giảm viêm ở giai đoạn cấp tính và kiểm soát axit uric ở giai đoạn mạn tính.
Giai đoạn cấp tính

  • Chống viêm bằng thuốc chống viêm không steroid, colchicine hoặc corticoid
  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước
  • Cố gắng không chà xát, ấn vào các khớp bị viêm.

Giai đoạn mạn tính

  • Thuốc hạ axit uric chủ yếu được sử dụng để ổn định nồng độ axit uric trong máu nhằm giảm số cơn cấp tính.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và khỏe mạnh.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
  • Uống nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để thúc đẩy quá trình hòa tan và đào thải axit uric qua nước tiểu.
  • Tập thể dục thường xuyên (tránh tập thể dục gắng sức hoặc tập thể dục gây áp lực lên khớp).
  • Không hút thuốc.

2. Các loại thuốc điều trị bệnh gout phổ biến

Các loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh gout bao gồm:

2.1 Điều trị gout giai đoạn cấp tính

Giai đoạn cấp tính của bệnh nhân gout thường tập trung vào việc giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm. Giai đoạn này, chủ yếu sử dụng thuốc chống viêm không steroid, colchicine và corticoid.

Thuốc chống viêm không steroid

– Tác dụng: Đối với bệnh nhân gout, thuốc chống viêm không steroid là lựa chọn hàng đầu, bao gồm indomethacin, ibuprofen, celecoxib… Thuốc có thể làm giảm hiệu quả các triệu chứng của viêm khớp gout cấp tính.

– Tác dụng phụ: Các phản ứng có hại thường gặp của các thuốc chống viêm không steroid là các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Nếu cần thiết có thể dùng các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày và thuốc ức chế bơm proton.

– Chống chỉ định: Khong dùng thuốc ở những bệnh nhân bị loét dạ dày tiến triển và nên thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân suy thận. Các chất ức chế chọn lọc cyclooxygenase (COX)-2 như celecoxib có ít tác dụng trên đường tiêu hóa hơn, nhưng cần chú ý đến tác dụng phụ đối với hệ tim mạch.

Thuốc colchicine

– Tác dụng: Colchicine là loại thuốc nhiều bệnh nhân gout đã rất quen thuộc. Thuốc làm giảm sưng và giảm sự tích tụ các tinh thể axit uric gây đau ở các khớp.

– Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ của thuốc cần chú ý như đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn, tê ran ở đầu ngón tay, dễ bầm tím, chảy máu… Các nghiên cứu cho thấy liều colchicine hiệu quả rất gần với liều gây độc, nên việc tự sử dụng thuốc tại nhà rất nguy hiểm.

– Chống chỉ định: Khi dùng điều trị đợt gout cấp, phải thận trọng ở người suy thận hoặc suy gan, người mắc bệnh tim, gặp vấn đề tiêu hóa. Bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc. Tránh dùng colchicin cho người mang thai.

Thuốc corticoid

Corticoid chủ yếu thích hợp cho những bệnh nhân không có hiệu quả với thuốc chống viêm không steroid và colchicine hoặc bị suy thận.

Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ được sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

2.2 Điều trị gout giai đoạn mạn tính

Đối với người bệnh ở giai đoạn mạn tính, chủ yếu sử dụng phương pháp điều trị hạ axit uric.

– Tác dụng: Thuốc hạ axit uric chủ yếu bao gồm thuốc ức chế sản xuất axit uric và thuốc thúc đẩy bài tiết axit uric. Các thuốc ức chế sản xuất acid uric được sử dụng phổ biến là allopurinol và febuxostat, trong đó allopurinol là thuốc tiêu chuẩn vàng trong điều trị bệnh gout.

– Tác dụng phụ: Loại thuốc này có cả ưu điểm và nhược điểm. Nhiều bệnh nhân sẽ gặp phải các phản ứng phụ như chóng mặt, nôn, tiêu chảy, viêm da dị ứng, suy giảm chức năng thận, tổn thương chức năng gan, các vấn đề về đường tiêu hóa…

– Chống chỉ định: Người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, rối loạn chức năng gan nên đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh gout

Khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh gout, có một số lưu ý quan trọng cần nhớ:

– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Luôn tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

– Sử dụng thuốc đúng cách: Tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ.

– Quan sát các tác dụng phụ: Cần chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể với thuốc. Nếu có dấu hiệu bất thường nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay.

– Điều chỉnh lối sống: Ngoài việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống cũng rất quan trọng. Tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, hải sản, rau mầm, một số loại rau cải. Thay vào đó, tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, trái cây…

– Thực hiện kiểm tra định kỳ: Điều trị bệnh gout là một quá trình dài hạn. Người bệnh cần kiểm tra định kỳ và theo dõi hiệu quả điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch