9 loại thuốc phải uống khi đói mới hiệu quả

Nếu uống thuốc không đúng cách, không đúng thời điểm sẽ không có tác dụng mà còn gây hại. Tùy từng loại thuốc mà chúng ta có thể uống lúc no hay lúc đói.

1. Tại sao một số loại thuốc phải uống khi bụng đói?
Một số thuốc cần uống khi bụng đói là do:

– Hấp thu chậm: Thức ăn có thể làm chậm thời gian cơ thể hấp thụ một số loại thuốc. Điều này có thể khiến thuốc mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng.

– Giảm hấp thu: Một số thực phẩm, đồ uống và chất bổ sung có thể làm giảm lượng thuốc hấp thu vào cơ thể. Điều này thường xảy ra khi những thực phẩm hoặc đồ uống kết hợp với thuốc trong dạ dày.

– Thuốc phân hủy nhanh hơn hoặc chậm hơn: Một số loại nước ép, chẳng hạn như nước ép bưởi, có thể khiến một số loại thuốc bị phân hủy nhanh hơn trong cơ thể. Nếu điều này xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc. Nước trái cây đôi khi cũng có thể khiến thuốc bị phân hủy chậm hơn. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ thuốc trong cơ thể, tăng nguy cơ tác dụng phụ.

2. Uống thuốc khi bụng đói, nhưng thời điểm nào là thích hợp?

Một số loại thuốc hoạt động tốt hơn khi uống khi bụng đói.

Uống thuốc khi bụng đói thường có nghĩa là bạn uống thuốc 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Mặc dù đây là một quy tắc chung tốt để tuân theo, nhưng một số loại thuốc có hướng dẫn cụ thể hơn.

Sau bữa ăn, thường mất khoảng 1,5 -2 giờ để dạ dày tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, loại thức ăn cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc di chuyển thức ăn trong dạ dày. Ví dụ, một bữa ăn nhiều chất béo có thể làm chậm thời gian dạ dày trống rỗng.

Đối với cà phê, nước trái cây hoặc các loại thuốc khác, thời gian lưu lại ở dạ dày cũng sẽ khác, nhưng cố gắng không trộn bất kỳ loại thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc nào khác mà không nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Ngay cả cà phê bạn uống buổi sáng cũng có thể ảnh hưởng đến cách một số loại thuốc được hấp thụ vào cơ thể.

3. Các thuốc nên uống khi bụng đói
3.1. Uống thuốc tuyến giáp levothyroxine
Nếu bạn bị suy giáp, có thể phải sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp như levothyroxine (synthroid, levoxyl, tirosint…). Các thuốc này cần uống vào buổi sáng khi bụng đói. Điều này là do một số loại thực phẩm và đồ uống có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc trong cơ thể, làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.

Ví dụ, quả óc chó, thực phẩm giàu chất xơ và bột đậu nành có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ levothyroxine. Ngoài ra, những thức uống phổ biến cho bữa sáng, như nước ép bưởi, cà phê, sữa… cũng đã được chứng minh là có tác dụng tương tự.

Levothyroxine nên được uống từ 30-60 phút trước bữa ăn sáng. Điều này bao gồm cà phê buổi sáng. Dùng thuốc ít nhất 4 giờ trước hoặc sau các loại thuốc khác (trừ khi có ý kiến của bác sĩ).

3.2. Thuốc điều trị loãng xương bisphosphonat
Các thuốc bisphosphonate như: Alendronate (fosamax), ibandronate (boniva) và risedronate (actonel)… giúp ngăn ngừa sự phân hủy của xương và được sử dụng để điều trị chứng loãng xương.

Một số loại thực phẩm, thuốc kháng axit và chất bổ sung có thể gắn với bisposphonate trong dạ dày, cản trở sự hấp thụ của thuốc. Bạn cũng có thể cần tránh dùng các loại thuốc này với nước trái cây. Một nghiên cứu cho thấy nước cam làm giảm sự hấp thụ alendronate khoảng 60% so với nước.

Đối với alendronate và risedronate, người bệnh nên uống ít nhất 30 phút trước khi ăn, uống hoặc uống các thuốc khác đầu tiên trong ngày. Đối với ibandronate, thời gian này là 1 giờ.

Uống thuốc cùng với 1 ly nước đầy (với nước đun sôi để nguội). Điều này giúp viên thuốc di chuyển xuống dạ dày nhanh hơn, giảm kích ứng, ngăn ngừa tổn thương ở thực quản.

Uống thuốc cùng với 1 ly nước đầy nước đun sôi để nguội, giúp viên thuốc di chuyển xuống dạ dày nhanh hơn, giảm kích ứng, ngăn ngừa tổn thương ở thực quản.

3.3. Thuốc trị viêm loét tiêu hóa sucralfat
Sucralfat (carafate) là một loại thuốc uống được sử dụng để điều trị loét đường ruột. Thuốc hoạt động bằng cách hình thành một lớp phủ bảo vệ trên vết loét.

Sucralfat phải được uống khi bụng đói, ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Nếu uống cùng với thức ăn, thuốc có thể không bao phủ vết loét đúng cách.

Nếu bạn đang dùng thuốc kháng axit, nên uống 30 phút trước hoặc sau khi dùng sucralfat. Nếu không, các thuốc kháng axit có thể làm giảm khả năng sucralfat bám vào vết loét.

3.4. Thuốc trị rối loạn cương dương sildenafil (viagra)
Sildenafil (viagra) là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương (ED). Mặc dù thuốc có thể uống cùng hoặc không cùng thức ăn, nhưng dùng sau bữa ăn nhiều chất béo (như bánh mì kẹp phô mai và khoai tây chiên) có thể khiến thuốc mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng.

Cách tốt nhất để sildenafil phát huy tác dụng nhanh nhất có thể là uống thuốc khi bụng đói. Tuy nhiên, nếu bạn cần dùng nó cùng với thức ăn, hãy đảm bảo chọn các loại ít chất béo.

3.5. Thuốc trị tăng huyết áp và suy tim captopril
Captopril là thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp và suy tim. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị các vấn đề về thận ở những người mắc đái tháo đường type 1.

Uống captopril cùng với thức ăn có thể làm giảm khả năng hấp thụ của thuốc và khiến thuốc không hoạt động tốt.

Do đó, uống thuốc 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn để đảm bảo bạn nhận được nhiều nhất lợi ích điều trị từ thuốc này.

3.6. Thuốc trị chứng bí tiểu betanchol

Betanchol là một loại thuốc dùng để điều trị chứng bí tiểu. Thuốc nên uống khi bụng đói để tránh buồn nôn và nôn. Cụ thể, người bệnh nên uống thuốc trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ.

Tuy nhiên, thuốc bethanechol thường được dùng 3 hoặc 4 lần một ngày, nên điều này có vẻ khó thực hiện. Do đó, người bệnh cần đặt báo thức uống thuốc và lên kế hoạch thực hiện theo lịch trình bữa ăn của mình.

3.7. Thuốc kháng sinh ampicillin
Một số loại kháng sinh có thể uống cùng hoặc không cùng thức ăn, nhưng với ampicillin là loại phải uống khi bụng đói.

Nghiên cứu cho thấy rằng, khi được dùng cùng với thức ăn, quá trình hấp thụ bị chậm lại và giảm hấp thu thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm cho thuốc kém hiệu quả hơn trong việc điều trị nhiễm trùng. Nên uống ampicillin 30 phút trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

3.8. Thuốc ngăn ngừa và điêu trị hen suyễn zafirlukast
Một loại thuốc khác có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong dạ dày là zafirlukast (accolate). Zafirlukast được uống hai lần mỗi ngày để ngăn ngừa và điều trị bệnh hen suyễn ở người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Trong quá trình nghiên cứu lâm sàng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, thức ăn làm giảm 40% lượng zafirlukast hấp thụ vào cơ thể. Do đó, nên dùng thuốc này ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

3.9. Thuốc ức chế bơm proton trị trào ngược dạ dày thực quản
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn bước cuối cùng của quá trình tiết axit trong dạ dày.

Thức ăn kích hoạt dạ dày sản xuất axit. Vì vậy, PPI sẽ ngăn chặn quá trình tiết axit trước khi axit được kích hoạt. Đó là lý do tại sao nên dùng PPI trước bữa ăn.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ là viên nén pantoprazole (protonix), hoạt động tốt khi có hoặc không có thức ăn.

Một số PPI không có khuyến nghị cụ thể về thời gian, hưnng nguyên tắc chung là 30 phút đến 60 phút trước bữa ăn. Tuy nhiên, nên uống esomeprazole (Nexium) ít nhất 1 giờ trước bữa ăn.

Nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến một số loại thuốc không có tác dụng. Trong trường hợp này, bạn có thể cần uống chúng khi bụng đói. Tùy thuộc vào từng loại thuốc sẽ có thời gian uống cụ thể (được ghi trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc theo lời dặn của bác sĩ điều trị).

Nếu người bệnh không chắc chắn về thời điểm uống của các loại thuốc mình đang dùng, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để có lời khuyên thích hợp. Điều này sẽ giúp cho việc dùng thuốc đạt kết quả tối ưu nhất và tránh các bất lợi không mong muốn của thuốc.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch