BỆNH VIÊM TUYẾN GIÁP CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? GÂY ẢNH HƯỞNG GÌ?

Bệnh viêm tuyến giáp có nhiều dạng khác nhau, trong đó thường gặp nhất là viêm giáp Hashimoto. Ước tính có khoảng 20 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng các dạng viêm tuyến giáp. Bệnh có thể biến chứng thành suy giáp vĩnh viễn, nghiêm trọng hơn là cơn bão giáp.

Viêm tuyến giáp là bệnh như thế nào?

Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm do bệnh tự miễn hoặc một số tác nhân khác. Nguyên nhân do các kháng thể tấn công tuyến giáp gây ra các loại viêm tuyến giáp. Hiện chưa rõ nguyên nhân một số người lại tạo ra kháng thể kháng tuyến giáp, dù điều này có xu hướng di truyền trong gia đình.

Viêm tuyến giáp cũng có thể do nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc như interferon và amiodarone gây tổn thương tế bào tuyến giáp, dẫn đến viêm.

Có nhiều dạng viêm tuyến giáp khác nhau, phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto. Mỗi loại viêm tuyến giáp có những biểu hiện riêng, tuy nhiên bệnh thường phát triển qua 3 giai đoạn, gồm:

Giai đoạn nhiễm độc giáp (Viêm giáp giai đoạn cường giáp): Ở giai đoạn này, tuyến giáp bị viêm gây tổn thương và phá hủy nhanh chóng các tế bào tuyến giáp, làm cho lượng hormone giáp dự trữ sẵn trong các tế bào tuyến giáp rò rỉ ra bên ngoài, tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Lúc này, lượng hormone giáp định lượng trong máu sẽ tăng lên quá mức nên người bệnh gặp các triệu chứng của bệnh nhiễm độc giáp. Tuy nhiên bản chất của quá trình này do phá hủy mô giáp. Người bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh cường giáp thực sự. Cường giáp thực sự do các tế bào tuyến giáp hoạt động mạnh, tăng sản xuất nhiều hormone giáp.
Giai đoạn suy giáp (nhược giáp): Tế bào tuyến giáp bị phá hủy dẫn đến không còn đủ khả năng sản xuất hormone giáp dẫn đến thiếu hormone tuyến giáp hay suy giáp. Giai đoạn này có thể thoáng qua nhưng sau nhiều đợt tuyến giáp viêm và bị phá hủy, lượng tế bào tuyến giáp chết quá nhiều thì người bệnh rơi vào suy giáp vĩnh viễn.
Giai đoạn bình giáp (phục hồi): Sau giai đoạn cường giáp, nồng độ hormone tuyến giáp tạm thời trở về mức bình thường trước khi chuyển sang giai đoạn suy giáp, hoặc có thể trở lại bình thường hoàn toàn.
Ai cũng có thể mắc bệnh viêm tuyến giáp. Bệnh thường gặp ở phụ nữ. Phụ nữ có khả năng viêm tuyến giáp cao gấp 4 – 10 lần nam giới, nhất là phụ nữ 30 – 50 tuổi.

Viêm tuyến giáp có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có. Dù bệnh viêm tuyến giáp không trực tiếp đe dọa đến tính mạng nhưng những biến chứng của bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Một trong những biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm là cơn bão giáp.

Tuyến giáp là nơi sản xuất hormone triiodothyronine và thyroxine. Hai hormone này có chức năng kiểm soát quá trình trao đổi chất, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Khi cơn bão giáp xảy ra, hai loại hormone này được sản xuất ồ ạt khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh. Người bệnh sốt cao, có thể lên tới 41 độ C. Tốc độ trao đổi chất tăng đột ngột đòi hỏi cơ thể cần nhiều oxy hơn cho hoạt động hô hấp làm nhịp tim tăng vọt, người bệnh cảm thấy khó thở, dẫn đến suy tim.

Hơn nữa, cơn bão giáp còn khiến người bệnh rơi vào trạng thái mê sảng, kích động, lú lẫn, khát nước, vàng da, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy, yếu cơ, loãng xương… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Các thể viêm tuyến giáp thường gặp
Viêm tuyến giáp có nhiều dạng khác nhau, bao gồm:

1. Viêm tuyến giáp Hashimoto
Viêm tuyến giáp Hashimoto, hay viêm tuyến giáp mạn tính, là dạng viêm tuyến giáp thường gặp nhất. Viêm giáp Hashimoto có thể thầm lặng không được nhận biết cho đến khi người bệnh bị suy giáp vĩnh viễn. Viêm giáp Hashimoto cũng có thể được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ có khảo sát tuyến giáp. Một tình huống thường gặp hơn là người bệnh đi khám do các biểu hiện cường giáp hoặc suy giáp thoáng qua. (2)

Theo thời gian, tuyến giáp dần bị phá hủy, không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp, người bệnh có biểu hiện dễ mệt mỏi, tăng cân, chịu lạnh kém, khô da. Kích thước tuyến giáp to lên sưng to gây bướu cổ, người bệnh thường có cảm giác cổ họng bị nghẹn.

Viêm tuyến giáp Hashimoto tiến triển chậm nên có thể mất nhiều năm để phát hiện, thường gặp ở phụ nữ 30 – 50 tuổi. Đây là bệnh mạn tính, không có cách ngăn chặn hoàn toàn diễn biến của bệnh, nhưng có thể làm giảm các triệu chứng bằng levothyroxine – có tác dụng thay thế hormone tuyến giáp bị thiếu hụt. Hầu hết, người bệnh viêm giáp Hashimoto đến giai đoạn suy giáp vĩnh viễn phải điều trị thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

2. Viêm tuyến giáp bán cấp
Viêm tuyến giáp De Quervain, còn được gọi là viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp tế bào khổng lồ hoặc viêm tuyến giáp bán cấp gây đau. Viêm giáp De Quervain có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và giới tính nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ từ 20 – 50 tuổi. Triệu chứng của viêm tuyến giáp De Quervain thường biểu hiện tuyến giáp sưng lên nhanh chóng dẫn đến sốt, đau đớn và khó chịu ở cổ, hàm, tai. Sau đó, tế bào tuyến giáp bị viêm gây rò rỉ lượng hormone giáp vào máu dẫn đến bệnh nhân có triệu chứng cường giáp. Người bệnh thường lo lắng, mất ngủ, hồi hộp… (3)

Viêm tuyến giáp De Quervain chủ yếu do nhiễm virus như quai bị, nhiễm trùng đường hô hấp trên, adenovirus hoặc cúm. Một số trường hợp có thể phát triển sau khi mang thai và sinh con.

Các triệu chứng có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn nhưng đôi khi có thể dẫn đến tuyến giáp hoạt động kém, có thể tiếp tục bất ổn trong nhiều tháng trước khi tuyến giáp trở lại bình thường. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị viêm tuyến giáp nhiễm trùng hoặc suy giáp vĩnh viễn cần điều trị thay thế hormone tuyến giáp.

Tiên lượng của tình trạng này rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Viêm tuyến giáp De Quervain có thể là một bệnh tái phát hoặc bệnh vĩnh viễn cần dùng thuốc lâu dài nhưng bệnh có thể điều trị được trong thời gian ngắn.

3. Viêm tuyến giáp cấp tính
Viêm tuyến giáp cấp tính thường do vi khuẩn gây ra. Tình trạng này hiếm gặp, thường xuất hiện trên cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc trẻ em bị suy giáp. Các triệu chứng bao gồm cơn đau khởi phát nhanh một bên cổ, sốt và ớn lạnh, tuyến giáp sưng to, da vùng cổ đỏ, sờ vùng cổ ấm hoặc nóng, nuốt đau và sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Điều trị bằng kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp tính có thể gây ra một số biến chứng, trong đó phổ biến nhất là áp xe, nhiễm trùng khu trú và khó điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh có thể diễn biến nặng hơn, nhiễm trùng sang các bộ phận khác lân cận tuyến giáp, thận chí nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị chảy máu bên trong ổ nhiễm trùng dẫn đến ổ nhiễm trùng sưng, tấy đỏ, đau nhức, chèn ép vùng cổ gây khó thở, suy hô hấp. Viêm giáp nhiễm trùng cấp tính thường có thể được điều trị bằng kháng sinh và thủ thuật dẫn lưu chất lỏng và mủ.

4. Viêm tuyến giáp Riedel
Bệnh viêm giáp Riedel được giáo sư Bernhard Riedel phát hiện vào năm 1883. Đây là một dạng viêm tuyến giáp mạn tính và hiếm gặp. Viêm giáp Riedel tạo ra nhiều dãi mô xơ hóa dày đặc thay thế mô tuyến giáp bình thường. Quá trình xơ hóa có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh tuyến giáp. Mức độ, triệu chứng và biến chứng phụ thuộc vào mức độ xơ hóa tuyến giáp và các khu vực lân cận. Có một số bằng chứng cho thấy bệnh viêm tuyến giáp của Riedel có thể là biểu hiện của một bệnh hệ thống liên quan đến IgG4, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như viêm tụy tự miễn, viêm phổi kẽ hay giả u viêm hốc mắt.

Triệu chứng: tuyến giáp và vùng cổ xung quanh cứng. Người bệnh có thể tắc nghẽn đường thở, khàn giọng, khó phát âm nếu thanh quản bị ảnh hưởng, khó nuốt, âm thanh hơi thở có tiếng rít nhỏ. Bệnh nhân sẽ bị suy tuyến giáp, có thể có suy tuyến cận giáp đi kèm.

Điều trị bệnh viêm tuyến giáp Riedel có thể phải phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn do mô sợi gây ra. Có thể cần điều trị suy giáp bằng levothyroxin. Các thuốc khác cũng cần được xem xét khi cần thiết như tamoxifen và prednisone.

5. Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh là tình trạng hiếm gặp, chỉ gặp ở phụ nữ sau sinh. Thời điểm xuất hiện viêm tuyến giáp sau sinh thường trong khoảng 6 tháng sau khi sinh con. Khi các tế bào miễn dịch tấn công tuyến giáp, nồng độ hormone tuyến giáp tăng lên tạm thời. Sau vài tuần, hormone tuyến giáp có thể trở về bình thường, giảm nhẹ hoặc giảm nghiêm trọng. Tùy theo mức độ thiếu hụt và các đánh giá lâm sàng của bác sĩ, người bệnh có thể cần điều trị hormon giáp thay thế.

Không phải phụ nữ nào mắc viêm tuyến giáp sau sinh cũng trải qua cả 2 giai đoạn này. Thông thường, nồng độ hormone tuyến giáp sẽ hồi phục trong vòng 12 tháng sau sinh, chỉ một số ít trường hợp gặp tình trạng suy giáp vĩnh viễn.

6. Viêm tuyến giáp không đau
Viêm tuyến giáp không đau còn có tên gọi khác là viêm tuyến giáp lympho bào thầm lặng, xảy ra ở 5% – 10% phụ nữ sau sinh. Các biểu hiện bệnh tương đồng với viêm tuyến giáp sau sinh nhưng đặc trưng bởi hiện tượng sưng tuyến giáp không gây đau. Tình trạng này thường xảy ra trong 12 – 16 tuần sau sinh.

Phụ nữ bị viêm tuyến giáp không đau thường trải qua giai đoạn hormone tuyến giáp tăng quá mức tạm thời rồi chuyển sang giai đoạn suy giáp. Sau 12 – 18 tháng, nồng độ hormone tuyến giáp dần trở lại ổn định. Chỉ một số ít trường hợp gặp tình trạng suy giáp vĩnh viễn.

7. Viêm tuyến giáp do nhiễm trùng
Viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp tính là một bệnh nhiễm trùng tuyến giáp hiếm gặp. Thông thường, thủ phạm là vi khuẩn gram dương như tụ cầu vàng hoặc Streptococci. Các vi khuẩn gram âm liên quan đến hầu họng cũng có thể là nguyên nhân. Ít phổ biến hơn, viêm tuyến giáp truyền nhiễm cấp tính có thể do vi khuẩn mycobacteria hoặc nấm gây ra – trường hợp này hiếm gặp và thường chỉ ảnh hưởng đến những người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn.

8. Viêm tuyến giáp do thuốc
Một số loại thuốc điều trị ung thư, rối loạn lưỡng cực có thể làm tổn thương tuyến giáp, gây đau, dẫn đến các triệu chứng cường giáp hoặc suy giáp. Hầu hết trường hợp, các triệu chứng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thường hết khi ngưng dùng thuốc. Dù vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý ngưng dùng thuốc khi mắc dạng viêm tuyến giáp này.

9. Viêm tuyến giáp do xạ
Các biện pháp điều trị bệnh như xạ trị, iốt phóng xạ gây tổn thương lên tuyến giáp dẫn đến tình trạng viêm. Người bệnh có thể trải qua cả hai giai đoạn: cường giáp và suy giáp. Giai đoạn suy giáp thường là vĩnh viễn, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc dài hạn. Một số trường hợp viêm giáp sau dùng lượng lớn iod gây viêm giáp nặng trọng có thể dẫn đến cơn bão giáp trạng.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch