Cách chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà

Khi được chẩn đoán nhiễm HIV, người bệnh thường cảm thấy hoang mang, lo lắng và thậm chí là tuyệt vọng. Lúc này nguồn hỗ trợ quan trọng nhất đối với họ chính là người thân, gia đình và bạn bè.

Cho đến hiện nay, HIV/AIDS vẫn là bệnh lý nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị dứt điểm và phải điều trị các triệu chứng trong suốt cuộc đời.

Hơn nữa, người nhiễm HIV phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau như nhiễm trùng cơ hội, rối loạn tâm thần… Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà.

Không thành kiến và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, xuất phát từ quan niệm sai lầm gắn HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội như mại dâm, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục đồng giới… nên ‘người có H’ thường bị coi là có lỗi, không đáng được quan tâm, chăm sóc.

Trong thực tế, không ai muốn bị nhiễm HIV. Nhiều người nhiễm HIV hoàn toàn không liên quan đến những hành vi nói trên hoặc bị nhiễm do chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng tránh lây nhiễm.

Và dù có bị nhiễm HIV, họ vẫn là người thân của bạn, họ cần được hỗ trợ và chăm sóc khi mắc bệnh như bất kỳ người bệnh nào. Truyền thống gia đình Việt Nam là không bỏ rơi người thân của mình dù gia đình có khó khăn đến đâu, nhất là người bị bệnh.

Để chăm sóc tốt cho người thân nhiễm HIV, các thành viên gia đình nên trang bị cho mình kiến thức về HIV và kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV khi họ gặp vấn đề về sức khoẻ.

Kiến thức quan trọng nhất là cách thức mà HIV có thể lây truyền. Nhiều người vì không nắm vững điều này nên sợ hãi, xa lánh, thậm chí bỏ rơi người nhiễm HIV.

Thực tế, HIV không thể lây truyền qua sinh hoạt hàng ngày như ăn chung, uống chung, sử dụng chung đồ dùng hoặc các tiện nghi trong gia đình như nhà tắm, nhà vệ sinh, giường, chiếu… hoặc qua tiếp xúc thông thường (chẳng hạn như ôm, bắt tay).

Người nhiễm HIV chỉ lây HIV cho người khác qua 3 con đường đó là qua đường máu (sử dụng kim tiêm chung, truyền máu có nhiễm HIV), quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su và từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

Các thành viên trong gia đình nên quan tâm động viên người nhiễm HIV, đối xử với người bệnh giống như cách đối xử với những người không nhiễm HIV, để họ cảm thấy yên tâm và được thấu hiểu.

Khuyến khích ‘người có H’ sống lành mạnh
Theo các chuyên gia cho biết, phần lớn những người nhiễm HIV nếu được điều trị thuốc kháng virus ARV sớm vẫn có thể duy trì sức khỏe bình thường và có thể tiếp tục làm việc, sinh hoạt như khi chưa bị nhiễm HIV. Gia đình nên hỗ trợ người có H có thái độ lạc quan, tích cực trong cuộc sống.

Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như chạy bộ, khiêu vũ và chơi các môn thể thao nhẹ nhàng (ví dụ như ném đĩa và cầu lông) được khuyên cáo để giúp cơ thể bệnh nhân duy trì năng động và khỏe mạnh. Tốt nhất, người nhiễm HIV nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các hoạt động thể chất cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV cũng nên cố gắng áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nếu người chăm sóc biết sở thích ăn uống của người nhiễm HIV thì nên giúp họ lên kế hoạch ăn uống phù hợp dựa trên sở thích và phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Chế độ ăn uống của người nhiễm HIV không cần phải thay đổi quá nhiều, đặc biệt là khi họ đang ở giai đoạn đầu. Mặc dù, người chăm sóc nên khuyến khích người nhiễm HIV ăn thường xuyên nhưng không nên ép họ ăn vì điều đó có thể gây căng thẳng và chán nản.

Ngoài ra, không khuyến khích người nhiễm HIV uống rượu và hút thuốc vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tăng cường giao tiếp
Với người nhiễm HIV, việc được người thân lắng nghe và chia sẻ như bất kỳ người nào khác không nhiễm HIV là nguồn động viên lớn giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn cũng như có những suy nghĩ tích cực về tương lai và tuân thủ điều trị.

Bạn có thể nói chuyện với họ về cuộc sống, công việc hàng ngày, tìm hiểu sâu hơn về mơ ước, dự định, kế hoạch… cho nghề nghiệp và tương lai.

Ngoài ra, bạn hãy giúp họ điều trị bằng cách đưa họ đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, nhắc họ uống thuốc đúng thời gian và lắng nghe cảm nhận của họ sau mỗi buổi trị liệu. Những điều này giúp người nhiễm HIV không có cảm giác cô đơn hay bị bỏ mặc mà trốn tránh gia đình, từ bỏ điều trị khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng và có nguy cơ lây truyền cho nhiều người khác.

Một số lưu ý khi chăm sóc người nhiễm HIV dự phòng lây nhiễm
Theo khuyến cáo người chăm sóc người nhiễm HIV không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, nạo lưỡi, đồ làm móng tay, kim tiêm… với người nhiễm HIV. Trong quan hệ tình dục với người nhiễm HIV cần sử dụng bao cao su.

Khi máu và chất tiết của người bệnh rơi vãi ra ngoài, dùng giấy hoặc vải hút nước lau sạch, sau đó lau nơi vấy bẩn bằng nước xà phòng hoặc cồn 70 độ. Người trong gia đình nên mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hay giặt đồ cho bệnh nhân nhiễm HIV. Nếu bị dính máu, dịch tiết của bệnh nhân thì rửa sạch ngay bằng nước xà phòng, sau đó dùng cồn 70 độ sát trùng lại.

Nếu bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV (như kim tiêm, dao cạo) làm bị thương, nên rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với các cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng.

Không tự ý mua và sử dụng thuốc mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch