Bệnh hen: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Mã số:

Bệnh hen là bệnh mạn tính đường thở (phế quản) do viêm, co thắt và tăng tính phản ứng đường thở, gây ra các triệu chứng ho, khò khè,tức ngực, khó thở tái phát. Hen phế quản liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống.

1. Nguyên nhân gây bệnh hen

Hiện nay nguyên nhân gây hen phế quản vẫn còn chưa rõ nhưng theo nghiên cứu, nguyên nhân gây hen phế quản có thể là do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và gen di truyền.
Các yếu tố thường làm khởi phát cơn hen gồm:
– Nhiễm trùng: vi khuẩn, virus
– Bụi nhà, lông súc vật, nấm, phấn hoa
– Ô nhiễm môi trường
– Gắng sức
– Không khí lạnh
– Bụi nghề nghiệp

2. Triệu chứng thường gặp ở bệnh hen
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh hen gồm:

– Ho khan kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính.
– Khò khè (thở rít, cò cử).
– Khó thở (thở ngắn, khó thở ra).
– Nặng ngực (tức ngực).
Bốn đặc điểm của hen gồm:

– Tái đi tái lại nhiều lần.
– Thường xảy ra về đêm và sáng.
– Liên quan đến thay đổi thời tiết.
– Bệnh xuất hiện hoặc tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát.

Triệu chứng hay gặp nhất trong bệnh hen là ho, đặc biệt là với bệnh nhân hen là trẻ em. Ho có thể xuất hiện trước hoặc cũng có thể là triệu chứng duy nhất của hen.

Cơn khó thở của bệnh hen có 4 mức độ từ nhẹ đến nguy kịch gồm:

– Khó thở nhẹ: ảnh hưởng ít đến sinh hoạt, khó thở ra, có tiếng rít, nhịp thở và nhịp tim hơi nhanh.
– Khó thở vừa: ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, phải ngồi để thở, tiếng thở rít to, co rút hõm ức và xương sườn; chỉ nói được câu ngắn, bứt rứt, khó chịu; nhịp thở và nhịp tim khá nhanh.
– Khó thở nặng: Khó thở ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, trẻ em thì bỏ bú; Phải ngồi gục về phía trước, thở rít to; Co rút hõm ức và xương sườn; Chỉ nói được từng từ; Trạng thái vật vã, hoảng hốt; Nhịp thở và nhịp tim nhanh; Đuối sức, khát, nôn ói (đặc biệt là trẻ nhỏ).
– Khi bệnh nhân có những biểu hiện trên, cần đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

– Khó thở nguy kịch: Da tím tái, không nói được; Thở ngáp, tiếng rít yếu hoặc không nghe thấy; Trạng thái lơ mơ hay lú lẫn; Nhịp thở chậm khác thường, nhịp tim chậm.
Khi bệnh nhân có bất cứ dấu hiệu của cơn khó thở nguy kịch nào cần đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

3. Bệnh hen có lây không?
Bệnh hen hoàn toàn không lây.

Hen là bệnh viêm mạn tính đường thở, mang yếu tố cơ địa gia đình, không mang mầm bệnh lây như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…không truyền bệnh trực tiếp hay gián tiếp từ người này sang người khác, không phát triển bệnh thành dịch, vì vậy bệnh hen không lây.

4. Cách phòng bệnh hen
Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống. Vì vậy, người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm… sẽ làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.

Để dự phòng hen phế quản người bệnh cần lưu ý:

– Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà.
– Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.
– Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
– Tránh khói thuốc lá, thuốc lào
– Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
– Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như Aspirin và các thuốc chống viêm Nonsteroid, vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
– Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.

5. Điều trị bệnh hen
Điều trị hen đặc hiệu: Khi phát hiện chính xác dị nguyên gây hen, chỉ cần điều trị ban đầu và tránh không tiếp xúc với dị nguyên là sẽ khỏi bệnh hen. Nếu vẫn phải tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh thì tiến hành giảm mẫn cảm đặc hiệu thì bệnh hen hoàn toàn giải quyết được. Giảm mẫn cảm là làm giảm tình trạng dị ứng của người bệnh khi vẫn tiếp xúc với dị nguyên. Để giảm mẫn cảm, người ta đưa dị nguyên đã gây dị ứng vào bệnh nhân theo đường dưới da, dưới lưỡi hoặc viên uống với liều tăng dần làm giảm nhạy cảm cơ quan tiếp nhận dị nguyên, giảm phóng calci, tăng cường kháng thể bao vây, tạo dung nạp tạm thời với dị nguyên làm giảm tình trạng dị ứng hoặc hen…Giảm mẫn cảm có chỉ định tốt nhất cho bệnh nhân trẻ tuổi có viêm mũi nặng hoặc hen nhẹ xảy ra theo màu hoặc đã phát hiện ra dị nguyên mà bệnh nhân vẫn phải làm việc, chung sống và sinh hoạt trong môi trường đó.

Điều trị hen không đặc hiệu: Khi hen không phát hiện được dị nguyên thì chẩn đoán đúng bệnh hen, điều trị đúng, biết tránh các yếu tố khởi phát, đảm bảo dinh dưỡng và có chế độ hoạt động thể lực hợp lý.
Điều trị dự phòng hen: Điều trị dự phòng hen hay còn gọi là điều trị duy trì là sử dụng thuốc hàng ngày dù hết khó thở, dùng thuốc kéo dài có kiểm soát, tiến tới hết triệu chứng và chức năng phổi như bình thường.

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp hotline 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch