Lưu ý trong việc phòng và điều trị bệnh mỡ máu

Máu nhiễm mỡ là chứng bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Một thực tế đáng lo ngại là bệnh này ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi, thậm chí là trẻ em, nhất là trẻ thừa cân, béo phì. Tình trạng mỡ máu cao trong thời gian dài và không được phát hiện, điều trị kịp thời là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Bệnh mỡ máu (hay còn được gọi là bệnh máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu) là tình trạng chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn,dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là là đột biến gen hoặc di truyền; bên cạnh đó còn do lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì; ăn nhiều chất béo bão hòa (có nhiều trong thịt bò, trâu, mỡ động vật…) nghiện rượu, hút thuốc lá,….

Máu nhiễm mỡ gây lắng đọng cholesterol ở thành động mạch và hình thành mảng xơ vữa, làm hẹp lòng động mạch. Lâu ngày, lưu lượng máu chảy qua động mạch bị ảnh hưởng, không mang đủ máu đến các bộ phận khác trong cơ thể, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tắc động mạch chi dưới…

Ông Hoàng Văn Tuấn ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc năm nay 62 tuổi nhưng suốt hơn 10 năm nay phải sống chung với bệnh máu nhiễm mỡ.

Hàng tháng, ông Tuấn vẫn mua thuốc để uống nhưng bệnh không thuyên giảm, cộng thêm nhiều bệnh nền khác như tiểu đường, gout, cao huyết áp… khiến sức khỏe của ông ảnh ngày càng sa sút. Cách đây ít ngày, ông thấy chóng mặt, khó thở, đau tức ngực dữ dội và buộc phải nhập viện. Các bác sỹ kết luận, ông bị biến cố mạch vành do rối loạn mỡ máu tăng cao, các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch vành, cản trở sự lưu thông của máu nên bắt buộc phải đặt stent.

Máu nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường khó nhận biết, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

Khi mắc bệnh rối loạn mỡ máu, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng giống nhiều bệnh lý khác như: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp…Bệnh nặng sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như: huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch… khiến việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn.

Để hạn chế mỡ máu cao, mỗi người cần cân bằng lại khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, chọn các chất béo lành mạnh, giảm lượng thức ăn có chất béo bão hòa như mỡ động vật, các thực phẩm chiên rán, tăng cường thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích và các loại hạt… Bổ sung thêm chất xơ hòa tan có trong yến mạch, trái cây, rau, đậu…

Bên cạnh đó, cũng nên tăng cường các hoạt động thể lực, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và kiểm soát cân nặng. Khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm các thông số lipid máu để phát hiện sớm các rối loạn mỡ máu, từ đó có hướng theo dõi và điều trị thích hợp.

 

Nguồn: Đài truyền hình Thanh Hóa

Bài viết liên quan

Yêu cầu tư vấn dịch vụ

Hoặc liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng 1900. 9012
Developed by Hop Luc Group
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay

Đã đặt lịch